Ngày 18 tháng 12 năm 2021, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 “Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt”, bằng hình thức trực tuyến.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 nhà khoa học, nhà giáo dục thuộc chuyên ngành Việt Nam học và các chuyên ngành liên quan ở Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Mĩ, Pháp, Úc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Hơn 110 bài viết được gửi đến Hội thảo bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt (trong đó có 15 bài viết của các học giả nước ngoài), bao quát 3 chủ đề chính: Việt ngữ học và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt; Văn hóa - Văn học Việt Nam và Lịch sử - Xã hội Việt Nam, thể hiện sức thu hút mạnh mẽ của hoạt động nghiên cứu Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt trong thế giới ngày nay.
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
Hội thảo đã được nghe nhiều báo cáo thú vị, gợi mở những hướng tiếp cận mới mẻ. Những bài viết thuộc lĩnh vực Việt ngữ học và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt quan tâm đến các vấn đề về giảng dạy tiếng Việt cho học viên Lào, giảng dạy tiếng Việt qua thuyết trình, giảng dạy kĩ năng đọc hiểu, cách đánh giá năng lực tiếng Việt cho học sinh quốc tế, vấn đề lựa chọn ngữ liệu; vấn đề nghiên cứu và giảng dạy ngữ pháp, ngữ âm tiếng Việt. Trong đó, các học giả quốc tế đã đóng góp những công trình có giá trị như: Quá trình biến đổi hệ thống vần trong phương ngữ Nam bộ từ thế kỉ 19 đến thế kỷ 20 qua cứ liệu Nôm của GS. Shimizu Masaaki (Khoa Nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hoá, Đại học Osaka); Giới thiệu tình hình giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt tại trường Đại học Shophia “St. Kliment Ohridski”, Bungari (ThS. Dayana Ivanova, Trường Đại học Shophia “St. Kliment Ohridski”, Bungari),…
Các tham luận thuộc lĩnh vực Văn hoá- Văn học Việt Nam giới thiệu, trao đổi về các vấn đề về văn học dân gian, văn hoá tâm linh, bản sắc văn hoá Việt, tiếp biến và giao lưu văn hoá,… Trong đó, có các tham luận tiêu biểu như: Các sách địa lý thế giới bằng Hán văn thời Minh Thanh (Trung Quốc) và phong trào khai sáng ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX (PGS. TS. Đoàn Lê Giang, Khoa Việt Nam học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM); Thế hệ nhà Việt học mới ở Trung Quốc: Trường hợp Giáo sư Lưu Chí Cường (PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Việt Nam trong các tác phẩm văn học đương đại Nga (PGS.TS. Sokolov Anatory Alexeevich, Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Moskva, Liên Bang Nga); Những đóng góp của Khái Hưng trong quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ (NCS. Tanaka Aki, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản),…
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn trình bày tham luận tại phiên toàn thể
Ở lĩnh vực Lịch sử - Xã hội, các báo cáo tập trung bàn luận về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu Việt Nam học ở nước ngoài, cộng đồng người Nhật ở Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, những vấn đề về luật pháp Việt Nam,… Trong đó, có báo báo giới thiệu những thành tựu nghiên cứu có giá trị về ngành Việt Nam học của chuyên gia nước ngoài như: Giáo sư Furuta Motoo – Nhà Việt Nam học hàng đầu và đa diện của PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực (Trường ĐHKHXH &NV, ĐHQG-HCM); có báo cáo đặt ra những vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong thực tiễn xã hội hiện nay, thu hút sự quan tâm của Hội thảo như: Pháp luật về phân cấp quản lý kinh tế ở một số quốc gia châu Á và kinh nghiệm cho Việt Nam của ThS. Trần Thị Mai Phước (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh),…
Hội thảo quốc tế Việt Nam học là diễn đàn học thuật thiết thực và bổ ích để các nhà khoa học giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới nhất, đồng thời thiết lập và tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học ở tầm quốc gia và quốc tế. Sự thành công của Hội thảo sẽ góp phần khẳng định và phát huy những giá trị đã được tạo dựng, vun bồi; nhằm xác lập mạnh mẽ và vững chắc vị thế của Nhà trường và của Khoa Việt Nam học trên bản đồ giảng dạy, nghiên cứu Việt Nam học ở Việt Nam và trên thế giới, như PGS.TS Ngô Thị Phương Lan- Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH &NV, ĐHQG-HCM đã chia sẻ trong Hội thảo.
(Huyền Trang)
Hình ảnh hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
Chủ tọa đoàn tại phiên toàn thể
Học giả Istvan Lenart trình bày tham luận tại tiểu ban 2 - Văn hoá- Văn học Việt Nam
Hình ảnh tại Tiểu ban 1
Hình ảnh tại Tiểu ban 2
PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực trình bày tham luận Giáo sư Furuta Motoo - Nhà Việt Nam học hàng đầu và đa diện tại Tiểu ban 3
Hình ảnh tại Tiểu ban 3 - Lịch sử - Xã hội