“Yếu tố lịch sử, địa lý đã khiến cho các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng ở chung trong một mái nhà là khu vực văn hóa chữ Hán, dần có sự gắn bó với nhau rất mật thiết”, PGS.TS Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV phát biểu đề dẫn trong hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hóa tư tưởng Đông Á” vào sáng 8-11.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn lắng nghe những ý kiến tính chuyên sâu từ các nhà nghiên cứu với các chủ đề trọng tâm: Văn học Việt Nam giao lưu với văn học Đông Á, Văn hóa tư tưởng Việt Nam giao lưu với văn hóa tư tưởng Đông Á, Phật giáo Việt Nam giao lưu với Phật giáo Đông Á. Những vấn đề này sẽ góp phần đẩy mạnh sự hiểu biết về văn học, văn hóa tư tưởng của Việt Nam và các nước Đông Á, tạo tiền đề cho sự giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa hiện tại và tương lai.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Đồng chủ tọa điều hành phiên toàn thể của hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam - giao lưu văn hóa tư tưởng Đông Á" - Ảnh: HUỲNH NHI

Mở đầu phiên toàn thể, PGS. TS Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học trình bày báo cáo đề dẫn về khu vực văn hóa chữ Hán: khái niệm và nội dung nghiên cứu. Theo đó khu vực văn hóa chữ Hán còn được gọi là khu vực văn hóa Đông Á, là vấn đề được bàn luận khá nhiều trong các công trình nghiên cứu, các bài viết ở Việt Nam hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, tên gọi của nó chưa được thống nhất và được gọi bằng nhiều cách khác nhau: Vòng văn hóa chữ Hán, vùng văn hóa chữ Hán, khu vực văn hóa Đồng Văn…

Có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu nền văn hóa của khu vực này. Một là tiếp cận theo từng nền văn hóa trong khu vực như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và theo từng chu kỳ văn hóa khác nhau.

Hai là tiếp cận theo các mối quan hệ khu vực, gồm: Mối quan hệ trong sự hình thành văn hóa chữ Hán từ khoảng thế kỷ thứ 3 TCN đến khoảng đầu CN; Sự truyền bá Nho - Phật - Đạo và chữ Hán trong khu vực văn hóa chữ Hán; Phổ biến và giáo dục khoa cử văn hóa chữ Hán; Con đường tơ lụa, nơi kết nối với các nước trong khu vực và ngoài khu vực; Sự truyền bá chữ Nôm trong khu vực văn hóa chữ Hán, từ khoảng TK 14 đến TK 15; Sự truyền bá tiểu thuyết và thơ ca trong vùng văn hóa chữ Hán từ khoảng TK 16 đến đầu TK 20; Phong trào phản Thanh, phục Minh và sự hình thành các trung tâm văn hóa người Hoa ở Đông Nam Á vào khoảng TK 17... "Những mối quan hệ đó đã tạo ra Đông Á là khu vực có sự gắn bó với nhau rất mật thiết", PGS. TS Lê Giang khằng định.

Ba là hướng tiếp cận trong và ngoài khu vực theo hướng so sánh giữa các nền văn hóa, quốc gia trong khu vực. Chúng ta có thể nghiên cứu Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo ở Đông Á hay về thơ ca Đông Á, tiểu thuyết và các loại hình nghệ thuật.

“Nghiên cứu giao lưu khu vực văn hóa chữ Hán là tìm lại những quá trình hình thành nên văn hóa khu vực, tìm đến và học hỏi những kinh nghiệm thành công, chia sẻ những bài học thất bại để các nền văn hóa trong khu vực được gần nhau, tôn trọng nhau hơn, góp phần hình thành nên một khu vực văn hóa hòa bình, ổn định và phồn thịnh”, PGS.TS Lê Giang nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hóa tư tưởng Đông Á” được khoa Văn học và Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức vào ngày 8-9/11 tại cơ sở quận 1 của Trường. Đây là dịp để giao lưu nghiên cứu học thuật giữa Nhà trường và các trung tâm nghiên cứu, trường đại học trong trong nước và thế giới về sự giao lưu tư tưởng văn hóa của các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo:

TS. Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế - Ảnh: HUỲNH NHI

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các trường đại học tại Trung Quốc, Đài Loan - Ảnh: HUỲNH NHI

PGS. TS Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học phát biểu báo cáo đề dẫn - Ảnh: HUỲNH NHI

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo khoa học "Việt Nam - giao lưu văn hóa tư tưởng Đông Á" - Ảnh: HUỲNH NHI

 Tin, ảnh: Huỳnh Nhi