Cù Thị Minh Ngọc
Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.
- Đặt vấn đề
Tất cả mọi người đều mong muốn phát triển những mối liên hệ tốt, biết quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Mối liên hệ tốt, trong môi trường lớp học, ta có thể gọi là sự cộng tác, không những là nền tảng cho hạnh phúc và bình an mà còn là nền tảng cho những hoạt động tốt trong việc học tập. Do đó, việc dạy học sẽ phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao khi các học viên có được cảm giác an toàn, được chăm sóc, sự cộng tác hay mối quan hệ tốt (rapport) với bạn bè cùng lớp, với thầy cô. Tình bạn với một nhóm ở trường học là điều kiện tiên quyết cho việc sẵn sàng dạy và học, đặc biệt là đối với các học viên Hàn Quốc có lối sống cộng đồng và trọng tình.
Tuy nhiên, người Hàn Quốc nói chung mang đặc tính hướng nội, có đời sống nội tâm tương đối phức tạp, vì vậy, đối với họ, việc tiếp xúc với người khác thường không dễ dàng, nhất là trong một thế giới ngày càng nhiều áp lực. Trường học không phải lúc nào cũng có khả năng xây dựng một môi trường thoải mái, có tình bằng hữu khi các thầy cô thì nhấn mạnh vào kỹ thuật giảng dạy, kiến thức chuyên môn, thành tích, tiến độ,... còn các học viên thì càng ngày càng trở nên căng thẳng.
Đúc rút từ kinh nghiệm nhiều năm dạy tiếng Việt của nhiều giáo viên tại Khoa Việt Nam học cùng với những câu trả lời của các học viên người Hàn Quốc thông qua phương pháp phỏng vấn sâu và bảng hỏi, dựa trên các tài liệu nghiên cứu về văn hóa, tâm lý, hành vi con người, bài nghiên cứu hy vọng sẽ góp phần cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quan về vai trò của sự cộng tác trong lớp học cũng như cách để gia tăng sự cộng tác trong môi trường lớp học tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học.
- Hiện tượng lớp học “cộng tác” và lớp học “thiếu cộng tác” tại Khoa Việt Nam học và nguyên nhân
2.1. Hiện tượng
Con người thường đấu tranh để bám víu vào một cái gì đó có ý nghĩa để phát triển ý thức xã hội, vượt ra ngoài tính ích kỷ, chỉ biết quan tâm đến mình, để hiểu và chăm sóc người khác. Tuy nhiên, đa số chúng ta đều có khuynh hướng tập trung vào những suy nghĩ của mình, cuộc sống của mình mà quên chú ý đến những người đang có mặt xung quanh trong giây phút hiện tại, tạo nên một bầu không khí “lạnh lẽo”, thiếu sự tương tác lẫn nhau.
Trong quá trình dạy tiếng Việt cho người Hàn Quốc, các giáo viên tại Khoa Việt Nam học đôi khi cũng gặp phải những lớp học khá “lạnh lẽo”, thiếu cộng tác, nhiều giáo viên còn gọi những lớp học này là lớp học “ốc đảo”, thậm chí là lớp “trầm cảm”. Trong những lớp học này, sự tương tác giữa các học viên người Hàn Quốc với nhau và với giáo viên kém, học viên học thiếu tập trung, không thân thiện với nhau và với giáo viên, bầu không khí lớp học kém sôi nổi, mỗi người có khuynh hướng ngồi một góc riêng có vẻ tách biệt, thậm chí có những học viên “nghiện” dùng điện thoại trong lớp, họ ít khi chủ động trao đổi với nhau trừ phi bị giáo viên yêu cầu, ít khi phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi cho giáo viên hay trả lời các câu hỏi chung mà giáo viên đưa ra.
Trong một cuộc điều tra ngẫu nhiên với 98 người Hàn Quốc (53 nam và 45 nữ) bao gồm học viên và sinh viên chính quy khoa Việt Nam học ở độ tuổi từ 18 đến dưới 60 tuổi (trong đó có 79 người dưới 40 tuổi) với câu hỏi: “Trong lớp, anh/chị có thường phát biểu ý kiến của mình không?” thì có đến 68 người trả lời là ít khi hoặc không bao giờ, chiếm hơn 70%. Tương tự, mức độ thường xuyên chủ động đặt câu hỏi cho giáo viên của họ cũng rất thấp, chỉ 23.5% (phụ lục, bảng 1, bảng 2).
Các học viên ít bộc lộ những suy nghĩ riêng mà thường nương theo ý kiến số đông, khi được yêu cầu trả lời, giáo viên hay nhận được câu trả lời “tôi cũng nghĩ vậy”. Với câu hỏi: “Trong lớp, bạn có thường đưa ra ý kiến riêng của mình không hay thường đồng ý với ý kiến của những người khác?” thì có đến 42 trên 93 người tự nhận mình thường nương theo ý kiến số đông (45%) và 21 người trả lời không biết (?) (phụ lục, bảng 3)
Các học viên ngại di chuyển khi được yêu cầu thực hành theo nhóm, đa số học viên cảm thấy thoải mái hơn với hoạt động hỏi - đáp với giáo viên hoặc nghe và lặp lại theo giáo viên - “đối tượng tương tác” chính của họ (phụ lục, bảng 4)
Có trường hợp các học viên học với nhau cả tháng nhưng vẫn không thể nhớ tên của bạn học, thậm chí cả tên của giáo viên. Sau giờ học, họ cũng không liên lạc với nhau (qua tin nhắn, chat, gọi điện, đi ăn uống cùng nhau…), không biết các thông tin cơ bản của nhau (sống ở đâu, làm nghề gì, tại sao hôm nay không đi học...), không giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và trong cuộc sống. Nhìn chung, bầu không khí trong những lớp này khá im ắng. Sau khi khóa học kết thúc, các học viên thường không có mong muốn tiếp tục học cùng nhau.
Tuy nhiên, không phải tất cả các lớp học đông người Hàn đều có hiện tượng trên. Có những lớp học đa số là người Hàn Quốc nhưng lại rất sôi nổi, năng động, mọi người nhanh chóng nhớ tên nhau sau 1-2 tháng học cùng, biết một số thông tin cơ bản của nhau (nơi sống, nghề nghiệp, sở thích, sức khỏe, tại sao hôm nay không đi học?...), học viên chủ động nói chuyện tương tác với nhau và với giáo viên, năng động khi được yêu cầu thực hành theo nhóm: di chuyển để đến với nhau, chủ động thảo luận. Sau giờ học, các học viên thỉnh thoảng có tương tác, liên hệ với nhau, có khuynh hướng muốn tiếp tục học cùng nhau trong khóa tiếp theo. Kết thúc khóa học, họ vẫn còn giữ liên hệ với một số thành viên trong lớp. Có thể nói đây là những lớp học đạt được sự “cộng tác” tương đối.
Trên thực tế, những cuộc gặp và giao tiếp giữa con người bình thường vẫn có thể diễn ra mà không cần có sự hòa hợp rõ rệt nào, chỉ cần người trong cuộc cảm thấy tương đối thoải mái là đủ, người ta vẫn có thể trao đổi thông tin với nhau và tiếp tục làm việc với nhau. Sự thiếu vắng một điều gì đó đặc biệt giữa hai bên gần như không thành vấn đề. Ví dụ ở siêu thị, khi đi mua sắm trao đổi với nhân viên bán hàng, chúng ta không mong đợi có nhiều điểm hợp nhau, không cần phải thiết lập một mối quan hệ thật sự có ý nghĩa với nhau. Tuy nhiên, trong môi trường lớp học ngoại ngữ, sự cộng tác là điều quan trọng vì nhờ đó mà giao tiếp giữa các thành viên trong lớp trở nên hiệu quả hơn. Các buổi học cũng có chất lượng hơn nhờ không khí cởi mở và sôi nổi. Điểm tích cực hơn nữa là khi hòa hợp, các thành viên sẽ có nhiều khả năng chia sẻ cho nhau những thông tin quan trọng hoặc giúp đỡ lẫn nhau. Con người thường hướng về những người mà mình có quan hệ tốt, những người có sự hòa hợp với mình. Ngược lại, người ta thường né tránh những người không hợp với mình. Khi có sự hòa hợp, sự hưng phấn của hệ thần kinh giao cảm, huyết áp của con người sẽ tăng lên, tạo ra một cảm giác vui thích, khiến một người mới quen trở thành bè bạn hoặc đơn giản chỉ là một sự phối hợp ăn ý với người đó. Sự thiếu ăn ý thường để lại ấn tượng rất xấu, cả học viên và giáo viên đều phải trải qua những giây phút khó chịu như không có sự chung sức khi cùng dạy và học, không tạo ra viễn cảnh tươi sáng cho việc dạy-học.
2.2. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu cộng tác trong lớp học tiếng Việt nhiều người Hàn, đa số xuất phát từ những nguyên nhân tâm lý như: bị “sốc” khi phải xa gia đình đến một đất nước xa lạ, thiếu động lực học, học vì bị ép: phải tìm việc, phải học đại học... chứ không học vì yêu thích, mục đích học tập không rõ ràng (phụ lục, bảng 5), thậm chí có một số học viên trẻ trả lời: không biết học để làm gì (?). Ngoài ra, vấn đề về tính cách (thụ động, ít nói, không quen hay không thích giao tiếp…), điều kiện về sức khỏe thể chất và tinh thần (bị bệnh, lớn tuổi, hay quên,...), cách tư duy khác biệt, năng khiếu học ngoại ngữ... cũng là những lý do không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp học viên rất năng động, học khá trong lớp này nhưng lại thụ động, học không tốt trong lớp khác. Phải chăng “bầu không khí đặc biệt” nào đó trong lớp cũng góp phần kích thích học viên đến lớp và tham gia vào các hoạt động thực hành một cách tích cực hơn hay ngược lại? Mối liên hệ tốt hay sự hòa hợp giữa các học viên với nhau và với giáo viên đóng vai trò thế nào đối với sự tiến bộ của học viên người Hàn Quốc?
Như nhiều người đã biết, Hàn Quốc và Việt Nam mang những nét văn hóa khá tương đồng, trong đó bao gồm tính cộng đồng và trọng tình.
2.2.1. Tính cộng đồng
Trong một lớp đông, khi tất cả các học viên đều được gợi ý phải di chuyển để thực hiện một hoạt động thực hành nào đó, nếu đa số đều đứng lên thì những học viên được cho là bị động cũng sẽ phải di chuyển và trở nên năng động hơn, nếu nhiều người trong nhóm nói tiếng Hàn trong lớp thì những thành viên còn lại cũng sẽ nói tiếng Hàn hoặc ngược lại; nếu các thành viên trong nhóm đều ít nói, ít phát biểu ý kiến thì “tôi” cũng vậy....
Tính cộng đồng khiến cho mỗi cá nhân sống trong cộng đồng đó luôn khao khát có được sự kết nối với tập thể, được công nhận, hay được tập thể “chấp nhận”. Trong giới học sinh Hàn, điều khiến cho tất cả các em đều sợ hãi chính là sự cô lập, tẩy chay của bạn bè, thầy cô. Khi bị tẩy chay, em học sinh đó sẽ bị cả lớp, thậm chí cả trường, nhìn với con mắt ghẻ lạnh, có khả năng bị “bắt nạt” rất cao, như một chú chim lẻ loi, lạc đàn khiến cho trẻ học hành sa sút, phải xin chuyển lớp, chuyển trường, hoặc thậm chí bị trầm cảm và có những hành động bồng bột như tự sát. Lý do các em bị tẩy chay đôi khi rất nhỏ nhặt như: quá mập, có gương mặt “khó ưa”, không chịu tham gia các hoạt động chung của các bạn, lầm lì ít nói, “không thèm quan tâm đến ai”, quá giỏi, được thầy cô yêu thương hơn, là dân tỉnh lẻ, thái độ bị cho là “chảnh”, lớn tuổi so với các bạn,... Ngoài ra, đối với họ, những người cùng một “nhóm” là phải thường xuyên ở bên cạnh nhau, nếu một thành viên thường xuyên vắng mặt trong các lần “sinh hoạt nhóm” thì dần dần họ sẽ bị “nhóm” “tẩy chay”.
Sự cô lập có thể xảy ra trong bất kỳ môi trường lớp học nào, thậm chí cả lớp học có nhiều người lớn mặc dù không rõ ràng và nghiêm trọng như trong giới học sinh, chẳng hạn: “Chúng em không thích nói chuyện với chú đó, vì chú lớn tuổi, có cái nhìn... kì kì và cách nói chuyện của chú đó cũng khó hiểu”, “Trước đây tôi đã thử hỏi chuyện em ấy nhưng em ấy không nói gì cả nên bây giờ tôi cũng không muốn nói”, “Tôi không thích người N.B”,“Trông bạn đó lập dị quá, em thấy không thoải mái khi học cùng”, …
Nhìn vào một lớp học “ốc đảo” giáo viên cũng nên tự hỏi: liệu rằng hiện tượng cô lập và tẩy chay như đã nói ở trên có đang diễn ra trong lớp học này không? Nguyên nhân là do sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, quốc tịch, tính tình, suy nghĩ, hay thậm chí là ngoại hình?
Nhìn chung, bất chấp những hạn chế, đa số người Hàn đều cho rằng “nhóm” mang lại những điều tích cực (như sự ấm áp, an toàn, thoải mái, được thấu hiểu, sự thân thiện, thân mật, sự đoàn kết, sự thoải mái, sự tốt đẹp, hòa khí,...). Có thể nói, nhóm của người Hàn là “nhóm văn hóa”, đề cao cái tình, còn nhóm của người phương Tây khá gần gũi với từ “teamwork” - chủ yếu dựa trên lợi ích công việc. Điều này giải thích cho lý do tại sao người Hàn tuy đánh giá nhóm rất cao nhưng khả năng làm việc nhóm của họ không bằng người phương Tây. Tuy vậy, khuynh hướng sinh hoạt theo nhóm của các sinh viên, học viên người Hàn là một điều tất yếu. Điều quan trọng là giáo viên cần phải giúp cho họ tạo thành những nhóm như thế nào để vừa đáp ứng được sự an toàn về mặt tình cảm vừa hiệu quả trong vấn đề học tập hay làm việc,
Đến lớp đối với học viên, sinh viên người Hàn không chỉ là để tiếp thu kiến thức mà còn để được chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình, để cảm thấy mình thuộc về một tập thể nào đó, mình là một thành viên trong “nhóm” và cần phải nỗ lực để “nhóm” của mình phát triển. Sự khuyến khích, động viên của các thành viên khác trong lớp, trong “nhóm” đóng một vai trò quan trọng trong việc học tiếng Việt của họ, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự tiến bộ của họ trong lớp. Nếu lớp học là một tập thể đoàn kết, thân thiện, cởi mở thì sẽ trở thành một động lực giúp họ đến lớp mỗi ngày nhưng, ngược lại, nếu đó là một lớp học mà các thành viên chia rẽ, rời rạc và thiếu sự quan tâm, hay có hiện tượng cô lập, tẩy chay thì hứng thú học tập của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
2.2.2. Tính trọng tình
Cũng như người Việt, người Hàn rất coi trọng quan hệ huyết thống, dòng họ, gia đình, tình cảm giữa những người bạn học và đồng hương với nhau. Vì trọng tình, nên họ hay bị xúc động, dễ bị kích động. Trong môi trường lớp học, nhiều người Hàn Quốc rất tình cảm, họ thích tặng quà cho bạn bè hay cho giáo viên mình yêu quý, nhưng mặt khác cũng dễ gây ra ác cảm, xung đột trong quá trình dạy học làm cho lớp học trở nên căng thẳng, mất tự nhiên. Mối quan hệ tốt với bạn học thúc đẩy sự giúp đỡ, động viên lẫn nhau trong quá trình học tập. Mối quan hệ tốt với giáo viên làm cho họ cởi mở hơn để giáo viên có thể dễ dàng tiếp cận và tìm cách giúp đỡ họ.
Theo điều tra, tiêu chí để người Hàn lựa chọn giáo viên cũng thường thiên về cảm tính, họ thích học với những giáo viên thân thiện, có thể tạo được một bầu không khí thoải mái, gần gũi trong lớp (69,2%). Giáo viên nếu có vẻ ngoài vui vẻ, thân thiện, dễ gần thường được đánh giá cao trong mắt người Hàn so với những tiêu chí khác như kinh nghiệm hay dạy có hệ thống (phụ lục, bảng 6).
2.2.3. Sự chênh lệch trong các mối quan hệ
Trong các lớp học “ốc đảo”, nhìn chung các học viên sinh hoạt tách biệt một mình hoặc theo từng nhóm nhỏ 2-3 người. Ở đây, tính cộng đồng hay tính trọng tình của họ chưa được biểu hiện một cách rõ ràng. Như ta đã biết, điều kiện tiên quyết để có một mối liên hệ tốt đầu tiên là phải hiểu nhau, dành thời gian tiếp xúc với nhau càng nhiều càng tốt. Những người có nhiều điểm chung thì sẽ thường xuyên muốn liên hệ với nhau.
Một giáo viên dạy tiếng Việt chia sẻ: “Khi dạy một nhóm học viên người Hàn Quốc đa số là những bà nội trợ, tôi quan sát thấy các học viên rất thân thiết với nhau tạo thành một lớp học có tính chất gia đình, sự tương tác giữa các học viên trong lớp rất tốt, không khí lớp học thoải mái. Trong lớp của tôi, nhóm các học viên nam thường biết các thông tin cơ bản về nhau, họ thường tụ họp với nhau, cùng rủ nhau đi hút thuốc hay đi uống cà phê trong giờ nghỉ hoặc đi uống bia sau giờ học. Các học viên nữ cũng thường xuyên tiếp xúc với nhau nhiều hơn tuy nhiên lại ít tụ tập ở bên ngoài như nhóm học viên nam”
Tuy nhiên, để tạo được những lớp học như vậy không phải là điều dễ dàng khi giữa các thành viên luôn tồn tại một sự chênh lệch về trình độ tiếng Việt (?), tuổi tác, địa vị xã hội, trình độ văn hóa,… Đặc biệt với sự ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo trong văn hóa Hàn Quốc, sự chênh lệch này đôi khi gây ra nhiều trở ngại trong việc học tiếng Việt. Chẳng hạn trong một lớp học có sự chênh lệch về tuổi tác, những học viên lớn tuổi đôi khi cảm thấy khó giao tiếp với thế hệ trẻ ở độ tuổi hai mươi, ba mươi.
- Một số giải pháp để nâng cao sự cộng tác giữa giáo viên với học viên và giữa các học viên với nhau
Các kỹ năng cảm xúc - xã hội (Social and Emotional Learning - viết tắt là SEL) có liên hệ chặt chẽ với kết quả học tập cũng như hạnh phúc của học viên và chất lượng giảng dạy của giáo viên. Vì vậy, vai trò của giáo viên không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn phải mang đến cho học viên cảm giác an tâm, điềm tĩnh, đồng thời giúp cho họ phát huy kỹ năng hiểu và làm chủ bản thân, quản lý được những cảm xúc của mình, xây dựng các mối quan hệ hòa hợp với người khác.
3.1. Xây dựng sự cộng tác giữa giáo viên và học viên
- Giáo viên chuẩn bị tâm thế cân bằng khi vào lớp
Học viên có thể cảm nhận được tâm trạng và cảm xúc của giáo viên, và tâm trạng của giáo viên ảnh hưởng đến tâm lý và thái độ học tập của học viên. Để giúp học viên năng động, vui vẻ trong lớp học, điều đầu tiên, cũng là điều quan trọng nhất, chính là bản thân giáo viên phải là người có một cuộc sống quân bình và vui vẻ, điều kiện sức khỏe tốt. Là thầy cô giáo, việc chăm sóc tốt cho chính mình bằng những phương pháp lành mạnh ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chăm sóc tốt các học viên. Giáo viên cần học cách xử lý những khó khăn trong cuộc sống riêng của mình (bằng cách tham gia lớp yoga, thiền định, các lớp học phát triển sở thích riêng,...), tránh làm ảnh hưởng đến bầu không khí lớp học. Giáo viên có thể chia sẻ với học viên những khó khăn của mình để làm gia tăng sự thấu hiểu giữa giáo viên và học viên. Khi học viên và giáo viên cảm thông cho nhau, tất cả đều cảm thấy vui vẻ, thư giãn thì công việc giảng dạy và học tập sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì thế, trước khi bắt đầu giảng dạy, giáo viên cần chuẩn bị cho mình một tâm thái thoải mái, điềm tĩnh, bình an để từ đó có thể xây dựng mối liên hệ cộng tác với các học viên, xây dựng một nét văn hóa riêng trong môi trường lớp học: hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo cho mọi thành phần trong lớp có thể làm việc chung trong một tinh thần phối hợp, gắn kết và hòa điệu ngay từ khởi đầu.
- Chú ý đến học viên - tìm hiểu văn hóa, tâm lý của họ
Điều tiên quyết để đạt được sự hòa hợp với người khác chính là sự chú ý (attention). Chú ý hoàn toàn đến người nào đó là một trong những công cụ tinh tế và hiệu quả nhất. Đó là chất xúc tác quan trọng để thúc đẩy sự hòa hợp cá nhân, có khả năng làm chuyển biến cảm xúc và hành vi của người khác. Khi bước vào lớp, giáo viên cần tập trung quan sát các học viên, cách họ nói chuyện với nhau, phân tích những sự việc đang diễn ra cũng như quyết định nên nói với ai trước. Khi nói chuyện, việc chú ý hoàn toàn đến học viên sẽ thu hút họ, làm họ (và cả giáo viên) không bị mất tập trung cũng vậy.
- Giao tiếp bằng mắt với học viên một cách phù hợp
Khi giao tiếp, việc không nhìn vào đối tượng giao tiếp là hành vi khiếm nhã; ngược lại, việc nhìn chằm chằm vào mặt của người khác hoặc nhìn quá lâu cũng vậy. Để giao tiếp tốt bằng mắt cũng cần có sự hiểu biết về những quy ước trong các nền văn hóa khác nhau. Trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc, trong một số trường hợp, việc nhìn thẳng và lâu vào mắt người khác có thể bị cho là thái độ bất kính và không thể chấp nhận được. Ngày nay, cùng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa, trong lòng văn hóa truyền thống Hàn Quốc cũng nảy sinh những nét văn hóa mới. Đối với người Hàn cũng như nhiều nước khác, việc giao tiếp bằng mắt trong vài giây thể hiện sự quan tâm đến người đang nói chuyện. Điều quan trọng là cần chú ý đến hướng nhìn và thời gian nhìn. Chúng ta cũng có thể nhìn vào miệng, mũi, cằm và mắt của một người mà vẫn thể hiện giao tiếp bằng mắt với người đó. Tương tự, ta cũng có thể nhìn chỗ khác trong khoảnh khắc để suy nghĩ rồi trở lại nhìn vào mắt họ để giao tiếp không bị gián đoạn, và vẫn thể hiện được sự quan tâm của mình. Giao tiếp bằng mắt là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo nên sự thấu cảm giữa các cá nhân.
- Gọi và nhớ tên học viên
Trừ trường hợp học viên tự giới thiệu cách xưng hô mà họ muốn người khác sử dụng, giáo viên hãy kiểm tra để biết họ muốn được xưng hô như thế nào vì trong văn hóa Hàn Quốc thường dùng họ để gọi, tên chỉ được sử dụng trong phạm vi những người thân thuộc. Để dễ nhớ tên của một người chúng ta có thể liên tưởng người ấy với một hình ảnh đặc biệt nào đó, viết tên người ấy ra giấy hoặc tưởng tượng mình đang viết tên người ấy ra giấy, tìm một nét nổi bật trên khuôn mặt của họ, ví dụ: mũi to, trán rộng hay miệng rộng,… Đừng chú ý đến tóc hay mắt vì những thứ này có thể thay đổi theo thời gian. Cố gắng học thuộc tên từng người để gọi đích danh và yêu cầu họ thực hiện các hoạt động thực hành trong lớp học vì học viên người Hàn đa số khá thụ động (do ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo: thầy là người cung cấp kiến thức, trò là người tiếp nhận kiến thức một cách thụ động). Giáo viên có thể yêu cầu học viên tự chọn cho mình một tên gọi bằng tiếng Việt nếu họ muốn. Giáo viên nên thường xuyên gọi tên tất cả các đối tượng trong lớp.
- Quan tâm đến đời sống tinh thần và sức khỏe thể chất của học viên, triển khai việc dạy tiếng Việt sát với thực tế của họ
Khả năng sử dụng tiếng trong giao tiếp xã hội thực tế và sự hiểu biết về ngôn ngữ đang học của học viên là hai vấn đề khác nhau. Trong quá trình dạy tiếng Việt, đôi khi, giáo viên quá chú trọng đến những bài học trong sách mà quên đi mục đích học thực sự của học viên, nhu cầu muốn chia sẻ những những suy nghĩ, tình cảm, tâm tư của từng học viên với người khác, đặc biệt là với những người Việt trong phạm vi sống của họ.
Một giáo viên chia sẻ: “Tôi có một học viên thường xuyên nghỉ học hoặc đi học trễ. Trong lớp, em khá ít nói và thiếu tự tin, đã hai lần em bật khóc khi không trả lời được câu hỏi của giáo viên. Sau nhiều lần gợi ý nói chuyện, tôi mới biết em bỏ học nhiều vì đau bao tử, phải nằm bệnh viện, em có chia sẻ rằng bệnh đau bao tử của em liên quan đến căng thẳng, lo lắng khi phải sống ở Việt Nam một mình và khó giao tiếp với những người xung quanh do trình độ tiếng Việt hạn chế. Vì vậy, trong lớp, tôi thường xuyên động viên và hỏi thăm em, nhắc nhở em ăn sáng, thư giãn, tư vấn cho em các cách giảm cơn đau, thông cảm khi em không theo kịp các bạn cùng lớp, khuyến khích em nói ra những khó khăn cho các bạn cùng học bằng tiếng Anh rồi bằng tiếng Việt…. Kể từ đó, em trở nên tự tin và hòa nhập hơn với lớp và đi học đều hơn”
Mỗi học viên đều có những vấn đề ẩn chứa ở bên trong. Có những người do hạn chế về năng lực ngoại ngữ cũng như trở ngại về tâm lý, văn hóa mà họ khó chia sẻ với giáo viên cũng như với những người khác gây nên những căng thẳng, ảnh hưởng đến việc học.
Theo lời chia sẻ của một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại khoa Việt Nam học: “Ngoài chuyện dạy học ra, có một yếu tố tâm lý mà giáo viên cần phải chú ý. Sau việc giảng dạy bài học, người dạy phải tạo cho người học một niềm tin, rằng bạn vừa mới được học những cái mà bạn có thể sử dụng được trong thực tế. Có niềm tin đó thì họ mới ứng dụng những điều mà mình vừa được học vào môi trường bên ngoài. Còn nếu như giáo viên chỉ dạy những điều mà khi ra ngoài họ nói chẳng ai hiểu hoặc chẳng bao giờ người Việt sử dụng thì họ sẽ mất niềm tin. Họ cho rằng mình đang học những cái mà người bản ngữ không nói, như vậy sẽ hạn chế nhu cầu, ý định giao tiếp bằng tiếng Việt của họ. Đặc biệt, người Hàn Quốc thường được nhận xét là thiếu tự tin khi học tiếng Việt hơn so với nhóm học viên người phương Tây nên việc củng cố niềm tin cho họ lại càng trở nên quan trọng. Niềm tin đó sẽ khuyến khích người học sử dụng và chính người học sẽ là người tạo ra những tình huống giao tiếp thật chứ không còn là giả định như trong môi trường lớp học. Bài học phải đặt gần sát với sinh hoạt thực tế thì học viên mới tiếp xúc nhiều hơn, mới sử dụng được”. “Giáo viên dạy học viên nói những chủ đề “to lớn” ở lớp mà trong những tình huống bình thường trong cuộc sống thì họ lại nói không được, chẳng hạn như có sinh viên không nói được những câu đơn giản như: “Thầy ơi, cho em lấy cái chìa khóa” hay “Thưa thầy, em bị đau bao tử nên không thể tập trung học được” trong khi lại được dạy về toàn cầu hóa hay những vấn đề lớn lao khác thì có vẻ hơi … kỳ lạ”. “Một yếu tố quan trọng trong việc dạy tiếng chính là môi trường giao tiếp thực sự, nói càng nhiều thì khả năng học viên thành thạo ngôn ngữ đó càng lớn. Trong đó, người học là trung tâm còn người thầy chỉ mang tính chất hỗ trợ. Tuy nhiên, người Hàn Quốc không phải là những người thích chủ động chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên là phải tạo cho họ cơ hội cởi mở, tạo không khí lớp học vui vẻ, cho họ thấy ích lợi của bài học, tạo cho họ niềm tin là họ có thể dùng được ở bên ngoài. Giáo viên vừa là một người thầy, vừa là chuyên gia tâm lý, tạo cho họ một tâm lý thoải mái”
Giáo viên nên tạo một mối liên hệ thân tình với học viên, trao đổi thông tin với họ chứ không chỉ tập trung vào nội dung trong sách.
- Biết cách lắng nghe học viên
Để giúp học viên thổ lộ những điều ẩn giấu bên trong là cả một nghệ thuật; đầu tiên, đó chính là “nghệ thuật lắng nghe”. Khi lắng nghe học viên, giáo viên nên có một mục đích cụ thể trong đầu. Khi có mục đích rõ ràng, một cuộc nói chuyện bình thường sẽ chuyển thành một cuộc đối thoại có ý nghĩa, giúp giáo viên nhanh chóng tìm ra thông tin mình cần. Hãy lắng nghe chăm chú, đừng vừa nghe vừa làm việc gì đó khác, giữ tư thế ngồi thẳng hoặc hơi nghiêng người về phía trước, duy trì giao tiếp bằng mắt một cách thoải mái, tự nhiên, tránh mất tập trung khi nhìn những người khác hoặc các hoạt động khác, tập trung vào nội dung người nói đang phát biểu chứ không nên nghĩ đến những điều mình muốn nói tiếp theo, đồng thời mỉm cười khuyến khích học viên nói về những bận tâm của họ. Khi khuyến khích học viên nói về điều mà họ quan tâm, giáo viên cũng cần phải hết sức tế nhị vì không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ những điều mà họ quan tâm với người khác. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc nói về một số công việc hiện tại hay mối quan tâm của mình trong việc giao tiếp để xem học viên có đáp lại không. Hãy tôn trọng học viên bằng cách bộc lộ cho họ thấy rằng họ có quyền nêu ý kiến dù ý kiến đó khác với suy nghĩ của giáo viên, tránh bộc lộ những thái độ tiêu cực như ra lệnh “anh hãy làm như thế này, đừng làm thế kia”, răn đe “đừng làm như vậy, nếu không…”, giáo huấn “anh phải…”, khuyên răn “tôi đề nghị anh…”. Giáo viên không nên đưa ra quan điểm của mình trong lúc nói chuyện mà chỉ nên trình bày quan điểm khi đã tóm tắt được những hiểu biết của mình về nội dung người kia vừa phát biểu. Cho dù học viên có nói sai, giáo viên cũng không nên ngắt lời người ấy, không chỉnh sửa vì nếu làm như vậy sẽ biến buổi thực tập thành buổi tranh luận và làm hỏng mạch cảm xúc của họ. Sau khi kết thúc, ta có thể cho họ một số thông tin để giúp họ sửa sai.
Nên tổ chức những buổi để giáo viên và học viên có thể ngồi lại lắng nghe nhau. Giáo viên giúp học viên học cách chia sẻ những kinh nghiệm, niềm vui, khó khăn thông qua việc đặt những câu hỏi một cách cởi mở, rõ ràng, giúp cho học viên cảm thấy mình có giá trị, được công nhận, được lắng nghe, được thấu hiểu và thấy gần gũi thân thương với mọi người hơn.
Giáo viên chấp nhận kể cả những câu trả lời tiêu cực và câu trả lời “tôi không biết”, nhẹ nhàng hướng sự chia sẻ về những kinh nghiệm có thật trong cuộc sống của mình.
- Kiểm tra sự phối hợp ăn ý giữa giáo viên và học viên
Sự phối hợp ăn ý với học viên chính là điều quan trọng thứ hai trong quá trình giảng dạy. Để đạt được sự phối hợp ăn ý này, cần có một sự tương đồng trong cảm xúc của người dạy và người học. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên thể hiện sự nhiệt tình với học viên để giữa hai bên có thể cởi mở và sẵn sàng nói ra suy nghĩ của mình. Giáo viên nên thường xuyên kiểm tra xem cảm xúc của mình và của học viên thế nào, có giống nhau hay không thông qua những câu hỏi sau đây: “Làm thế nào để tôi biết chắc mình đang làm họ hài lòng?” (bằng cách cố gắng nhận biết họ mong muốn điều gì từ mối quan hệ này), “Người này hiện đang cần gì?” (chúng ta có thể nhận biết điều này khi chú ý quan sát họ hoặc có thể nói chuyện thẳng thắn với học viên. Thông thường, cách tốt nhất để biết câu trả lời là hãy thử nghiệm những giả định của mình và hỏi người kia xem mình đã đáp ứng nhu cầu của họ hay chưa), “Điều gì có thể là quan trọng nhưng người kia không nói ra?”, “Tôi nhận thấy mình và người kia đang bức xúc điều gì?”.
- Chú ý tìm kiếm mối liên kết với học viên
Chúng ta có thể nâng cao mức độ cộng tác thông qua hình thức đối thoại có sự liên kết, trong đó cả hai bên đều cố gắng đạt đến một mục đích chung. Trong những cuộc đối thoại với học viên hãy cố gắng phát hiện những điểm chung, từ đó đề ra một kế hoạch giảng dạy phù hợp cho cả hai bên, một kế hoạch giảng dạy tạo điều kiện thuận lợi cho sự cộng tác tự nhiên phát triển.
- Tôn trọng học viên
Có một học viên người nước ngoài chia sẻ với giáo viên trẻ của mình như sau: “Cô dạy rất nhiệt tình, chúng tôi thích cách dạy của cô. Tuy nhiên, đôi khi cô làm cho chúng tôi có cảm giác chúng tôi là trẻ con…”; từ “trẻ con” ở đây ngụ ý là sự thiếu tôn trọng. Hoặc một trường hợp khác: “Thưa cô! tôi không phải là Soon Ju, tôi là Joen” - một học viên họ Joen, tên Soon Ju phản ứng khi một giáo viên trẻ gọi tên của mình trong lớp. Học viên tại khoa Việt Nam học đa số là người trưởng thành, có những học viên lớn tuổi hơn giáo viên khá nhiều, có những học viên có địa vị cao ngoài xã hội... Họ cần sự tôn trọng của giáo viên nhưng không phải ai cũng nói ra điều ấy. Để tránh xung đột, giáo viên phải hết sức tế nhị và tôn trọng học viên: chú ý đến cách xưng hô cho phù hợp văn hóa, vị trí cũng như mong muốn của học viên, giữ thái độ nhã nhặn khi giảng dạy. Chẳng hạn, có trường hợp một học viên phát âm không đúng nên ở bên ngoài không ai hiểu anh ta nói gì, học viên đến lớp chia sẻ với giáo viên những băn khoăn của mình, giáo viên, thay vì nói “không ai hiểu anh nói gì cả vì anh phát âm không đúng”, hãy nói: “dù anh phát âm chưa đúng lắm nhưng anh sẽ cải thiện được phát âm của mình nếu thực hành nói nhiều với người Việt, anh có làm gì để phát âm được chính xác hơn không?”. Khi học viên trả lời sai một câu hỏi, thay vì nói “anh sai rồi, không phải như vậy”, hãy nói “đó cũng là một câu trả lời hay nhưng hãy để tôi giải thích một lần nữa về cấu trúc này và nguyên nhân tại sao câu trả lời này cần được xem xét lại”. Khi học viên nổi giận vì không hài lòng với cách giảng dạy của giáo viên, thay vì nổi giận lại với họ, hãy nói: “Ít nhất thì anh cũng đã bày tỏ quan điểm của mình. Bây giờ tôi biết rằng anh rất quan tâm đến việc học sao cho được hiệu quả. Thế thì theo anh, tôi có thể giúp anh học hiệu quả bằng cách nào?”, sau đó hãy từ từ làm cho họ hiểu cách dạy của mình hoặc thay đổi cách dạy nếu điều đó là phù hợp và cần thiết.
- Có mối quan hệ qua lại
Để có thể phối hợp ăn ý với nhau thì giữa học viên và giáo viên phải có một quan hệ qua lại: cho và nhận. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể biết được học viên có muốn thiết lập quan hệ với mình hay không. Vì vậy hãy giả định là họ muốn và sử dụng những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ qua lại sau đây: muốn người khác chú ý, hãy chú ý đến họ trước; muốn người khác quan tâm, hãy quan tâm đến họ trước; muốn người khác hiểu mình, hãy cố gắng hiểu người trước.
Quan hệ tốt là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự cộng tác cá nhân, được xây dựng dựa trên sự yêu quý và tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, một mối quan hệ tốt không nên bị nhầm lẫn với sự “suồng sã”. Mối quan hệ tốt thường xuất hiện một cách tự nhiên khi giữa hai bên phối hợp ăn ý với nhau. Để mối quan hệ này phát triển, mỗi người sẽ có một cách riêng. Điều quan trọng là chúng ta phải giao tiếp bằng cả con người thật của mình dựa trên một số nguyên tắc dưới đây:
- Tạo mối liên hệ giữa mình với người khác bằng cách cố gắng phát hiện ra ba điểm chung của mình và họ, chẳng hạn như: sở thích, niềm tin, trải nghiệm, thú tiêu khiển,…
- Hãy chú ý đến những biểu hiện bằng ngôn từ và phi ngôn từ của học viên. Trở thành một người nhạy cảm hơn bằng cách tránh lệ thuộc nhiều vào ấn tượng ban đầu để phán xét người khác mà chỉ coi đó là một giả định cần được kiểm nghiệm thêm.
- Sẵn sàng đón nhận những thông tin và quan điểm mới, cố gắng nhìn sự việc từ quan điểm của người khác bằng cách đặt mình vào cảnh ngộ của họ, quan sát chấp nhận những khác biệt về văn hóa, giới tính, chủng tộc, tuổi tác, khiếm khuyết cơ thể,...
- Đồng cảm với học viên. Khi nghe người nào đó nói về một tình huống làm cho họ thất vọng, giáo viên hãy thử liên hệ với cảm xúc thất vọng của bản thân mình, liên tưởng đến một ký ức hoặc một tình huống tương tự trong cuộc đời... Tóm lại, đồng cảm nghĩa là để cho lòng mình trỗi dậy những cảm xúc trước những điều người kia đang bày tỏ.
- Tận dụng sức mạnh của ngôn từ. Mỗi chúng ta đều có những từ ngữ ưa thích của riêng mình hoặc những từ gợi cho ta cảm xúc. Vì vậy, giáo viên hãy thử khám phá những từ có sức hút đối với từng học viên và vận dụng kiến thức này để góp phần tạo dựng mối quan hệ gần gũi với họ. Chẳng hạn, những người thường lấy mục tiêu làm động cơ thì thích nghe những từ như: “Việc này sẽ giúp bạn đạt được…, giúp bạn có khả năng…, lợi ích của việc này là…”. Đối với những người có động cơ đến từ bên ngoài, chúng ta có thể dùng những từ như: “Người khác sẽ nhận biết là…, chúng ta sẽ được đánh giá cao khi….”. Những người sợ thay đổi thì thường thích những từ như: “Cái này giống với..., như bạn đã biết….”. Với những người thích sự thay đổi thì giáo viên có thể dùng những từ như: độc đáo, độc nhất vô nhị, phong cách riêng, thú vị hơn,...
- Biết cách đặt câu hỏi thông minh để phát triển một mối quan hệ tốt. Chẳng hạn, giáo viên có thể dùng những câu hỏi mở để khuyến khích học viên nói chuyện và chia sẻ những thông tin thú vị. Loại câu hỏi này không tạo điều kiện cho người nghe trả lời chỉ bằng một từ như “có” hoặc “không” mà, ngược lại, nó tạo điều kiện cho họ phát biểu chi tiết. Ví dụ: “Tại sao bạn thích sống ở Thành phố Hồ Chí Minh?”, “Theo bạn thành phố này có gì không ổn?”, “Điều bạn chia sẻ rất thú vị, bạn có thể giải thích thêm không?”. Những câu phát biểu kín đáo về cảm xúc hoặc ý kiến cũng góp phần tạo dựng quan hệ tốt, chẳng hạn: “Cuộc sống của bạn ở Việt Nam vui vẻ chứ?”, “Công việc làm ăn của bạn có thành công không?”, “Tôi nghĩ bạn là một người thông minh”, “Chắc hẳn ngày xưa có nhiều người thích bạn lắm…”, “Tôi thấy em Sophia có một nước da rất đẹp, dáng người vừa phải, em có thể chia sẻ bí quyết giữ gìn sắc đẹp của mình không?”... Những câu hỏi này nếu được lồng ghép trong bối cảnh của bài học sẽ càng hiệu quả hơn.
- Giúp đỡ hoặc cung cấp thông tin cho học viên nếu có thể
Bằng cách tình nguyện cung cấp thông tin hoặc dịch vụ nào đó cho học viên, giáo viên cũng thể hiện ý muốn thiết lập mối liên hệ với họ, qua đó phát triển được một mối quan hệ tốt. Chẳng hạn, đơn giản như giới thiệu chỗ ở, nơi massage thư giãn, tiệm làm tóc, quán ăn ngon... với thái độ chân thành, không áp đặt.
- Kể chuyện
Các nhà lãnh đạo truyền cảm biết rất rõ hiệu quả của việc kể chuyện, những câu chuyện có thật và thường mang tính cá nhân, chẳng hạn: Oprah Winfrey, người dẫn chương trình talkshow nổi tiếng của Mỹ đã thành công trong việc tạo dựng được mối quan hệ gần gũi với thính giả thông qua việc kể chuyện và tự giới thiệu về mình. Để tác động đến cảm xúc của người khác, thông thường những chuyện họ kể sẽ thể hiện bản tính dễ xúc động và lòng nhân hậu của họ, từ đó mở đường cho việc xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Những câu chuyện mang tính cá nhân sở dĩ mang lại hiệu quả là vì người nghe không chỉ cảm thấy thích thú mà còn thấy người kể trong một sắc thái mới, làm cho giáo viên trở nên gần gũi với học viên hơn, cũng giống như họ đã từng có trải nghiệm quan trọng đó trong cuộc đời.
Những gì học viên không nhận được từ cuộc sống, từ gia đình, họ sẽ được nhận từ thầy, cô giáo của mình. Chúng ta có thể đối diện với một lớp học khó khăn hay một lớp học tuyệt vời, với những người học viên đầy sự trân quý hay giận giữ. Giáo viên nên khen ngợi học viên một cách tế nhị khi thấy họ định tĩnh, vững chãi, năng động, xử lý cảm xúc tốt,... Nếu không thành công như mình mong muốn, chúng ta có thể bỏ qua với một nụ cười thân thiện và bắt đầu làm lại. Việc chăm sóc cảm xúc của học viên kết hợp với việc dạy tiếng Việt là một công việc đầy nỗ lực và sâu sắc khiến cho học viên cảm động, đồng thời phát triển khả năng tiếng Việt tự nhiên hơn. Việc này có thể có nhiều khó khăn, thử thách vì vậy cần phải thực hiện một cách từ tốn và cẩn thận.
- Gia tăng sự cộng tác giữa các học viên trong lớp
Học cách tiếp xúc với người khác sâu sắc hơn giúp học viên phát triển khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt được dễ dàng hơn. Tuy nhiên không phải học viên nào cũng biết cách giao tiếp hài hòa với người khác. Đây là vấn đề thuộc về tính cách và kỹ năng riêng mà người ngoài khó lòng can thiệp vào. Chính vì vậy giáo viên cũng không thể tham vọng là sẽ thay đổi được tâm tính học viên của mình. Tuy nhiên, giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập thuận lợi giúp học viên phát triển các kỹ năng cảm xúc xã hội.
- Trở thành chiếc cầu nối giữa học viên này với học viên kia
Giáo viên chính là chiếc cầu nối giữa học viên này với học viên kia. Một số hoạt động dưới đây có thể giúp ích cho việc kết nối các học viên với nhau:
- Cho học viên cơ hội để chia sẻ những suy nghĩ, mối bận tâm của mình với bạn học. Chẳng hạn khuyến khích học viên nói ra hoặc viết ra những tâm sự của riêng mình. Giáo viên có thể phát cho học viên một tấm giấy nhỏ và yêu cầu học viên viết lại những điều mình đã gặp trong ngày hôm qua, điều gì làm mình vui, điều gì làm mình không vui… Sau đó, bí mật xáo trộn những tấm giấy đó và đọc cho cả lớp nghe (nếu họ cho phép).
- Ăn cùng nhau: Ăn là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong cuộc sống của con người. Đặc biệt trong văn hóa Hàn Quốc, sau những giờ làm việc căng thẳng, các nhân viên trong các công ty thường rủ nhau cùng đi ăn tối, ăn trưa, cùng trò chuyện và uống bia với nhau để gia tăng tình đoàn kết. Việc rủ nhau đi ăn sau giờ học cũng là một cách thức để các học viên nối kết với nhau. Giáo viên có thể tham gia cùng hoặc không tham gia nhưng nên khuyến khích học viên có những hoạt động bên ngoài lớp học. Thậm chí, ngay trong môi trường lớp học, việc thực hành tiếng Việt có thể diễn ra trong những bữa ăn nhẹ cùng nhau. Đó có thể là nhân dịp sinh nhật của một người nào đó trong lớp, mọi người cùng mua một ít quà bánh, tổ chức một bữa tiệc, đây là môi trường tốt giúp các học viên dễ dàng chia sẻ với nhau hơn. “Trong lớp học của tôi có một học viên thường mua thức ăn cho các bạn trong lớp sau những dịp anh đi xa về. Khi tất cả mọi người cùng ngồi ăn và trò chuyện, tôi thấy các học viên trở nên cởi mở hơn, vui vẻ hơn, giống như các thành viên trong cùng một gia đình. Trong lúc ăn uống, họ tâm sự với nhau và được tôi nhắc nhở cố gắng sử dụng tiếng Việt”, một giáo viên chia sẻ.
- Hỏi người này về thông tin của người kia (chẳng hạn: “Anh/ chị có biết tại sao hôm nay anh Yun không đi học không ạ?”); các hoạt động thực hành theo nhóm: ghép người này với người kia luân phiên.
- Yêu cầu học viên đặt câu hỏi cho bất cứ ai trong lớp thật nhanh bằng trò “gọi tên bất kỳ” (trò chơi này giúp các học viên nhớ tên nhau).
- Gợi ý để học viên khen ngợi lẫn nhau hay đùa với nhau (tùy theo đối tượng). Chẳng hạn, với những người trẻ tuổi: “Hôm nay anh Yun có tóc mới, em Kotone thấy anh Yun thế nào, có đẹp trai không?”, …
- Nhờ người này giúp người kia (giải thích bài, giữ giấy bài tập hộ khi người kia vắng mặt...).
- Sử dụng giáo trình mềm dẻo tùy theo đối tượng học viên, biến các hoạt động thực hành thành cơ hội để các học viên tìm hiểu lẫn nhau và trao đổi thông tin với nhau nếu được.
- Vấn đề tổ chức lớp học để gia tăng sự kết nối
- Sĩ số lớp nhóm
Đa số các thầy cô giáo có kinh nghiệm đều cho rằng lớp ngoại ngữ có sĩ số ít sẽ hiệu quả hơn lớp quá đông vì trong các lớp này, cơ hội tương tác giữa học viên với giáo viên sẽ cao hơn và việc tương tác giữa các học viên với nhau cũng sâu sắc hơn. Kết quả học tập theo đó được cải thiện. Các học viên có xu hướng tự tin hơn và tiến bộ rõ rệt. Hiện tại, một số trung tâm ngoại ngữ đã chú ý hơn vấn đề sĩ số, con số thông thường là khoảng 12 học viên trở xuống trong một lớp. Với ảnh hưởng của chủ nghĩa tập thể, nhiều người Hàn thích học lớp nhóm. Trong số 100 người được hỏi thì có 48 người trả lời thích học lớp nhóm, 17 người muốn học lớp riêng và 33 người thích cả hai (tham khảo phụ lục, bảng 7). Nếu lớp học có sĩ số quá ít (3-5 người) thì không khí lớp thường trầm hơn.
- Vấn đề quốc tịch
Theo nhận xét của nhiều giáo viên có kinh nghiệm thì nhìn chung học viên Hàn Quốc thụ động hơn học viên đến từ các nước phương Tây. Khi người Hàn Quốc học chung với các quốc tịch khác thì họ nói nhiều hơn là học chung với nhau do ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, họ sợ nói sai thì sẽ mất mặt trước mặt nhau, điều đó là rào cản tâm lý. Nhưng vì họ chiếm đa số nên không thể chia họ vào lớp có những quốc tịch khác nhau. Đa số người Hàn cũng thích học trong lớp đa quốc tịch không có người Hàn, khoảng trên 40% (trong khi đó, số người thích học trong lớp học nhiều người Hàn là dưới 30%) do người trẻ thường đặt kỳ vọng cao cho bản thân: nói tiếng Việt giỏi trong thời gian ngắn. Càng lớn tuổi, họ càng có xu hướng thích lớp học có nhiều người Hàn. Theo điều tra, 20% những người ở độ tuổi dưới 30 thích học trong lớp học đa số là người Hàn nhưng ở độ tuổi 31-40, con số này đã tăng lên 50% (tham khảo bảng 8).
- Trình độ tiếng Việt
Yếu tố cùng trình độ tiếng Việt cũng rất quan trọng. Nếu quá chênh lệch về trình độ sẽ gây ra nhiều khó khăn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy và khó khăn cho học viên về vấn đề tương tác bằng tiếng Việt với bạn học khi “ông nói gà, bà hiểu vịt”.
- Độ tuổi
Những người cùng một thế hệ sẽ dễ dàng trao đổi với nhau hơn. Quy tắc trật tự trên dưới do ảnh hưởng của Khổng giáo làm cho vấn đề khoảng cách thế hệ trong nhóm những người Hàn càng trở nên sâu sắc.
Những vấn đề khác như cùng nghề nghiệp, giới tính, trình độ văn hóa,... có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, vấn đề quan trọng ở đây là họ có sử dụng tiếng Việt khi trao đổi với nhau không.
- Kết luận
Trong lĩnh vực giáo dục, sự hòa hợp cảm xúc chính là một yếu tố lôi kéo sự tham gia của người học. Người học gắn bó với lớp, với bạn, với thầy cô hay không là nhờ vai trò rất lớn của giáo viên. Nếu người giáo viên có thể kết nối lớp học của mình bằng những hoạt động tập thể, những hình ảnh… lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ tạo ra một môi trường học tập cảm xúc và gắn kết. Đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì việc học và thúc đẩy khả năng tiếp thu của học viên, cũng là động lực giúp người học đến trường mỗi ngày. Đồng thời, đây cũng là “nguồn năng lượng” giúp giáo viên dạy học đầy cảm hứng. Học tiếng Việt, không chỉ đơn thuần là học lấy kiến thức, kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn là một cách để rèn luyện sự tập trung, sự kiên nhẫn và kỹ năng giao tiếp xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Camine Gallo (2011) (người dịch: TS. Nguyễn Thọ Nhân). Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs (The presentation Secrets of Steve Jobs). TP.HCM: Tổng hợp.
-
Gene Yoon& Sang Chin Choi (1994). Psychology of the Korean People. Dong A Publishing & Printing Co., Ltd.
3. Giang Hoàng Nhơn (2016). Sĩ số lớp ít giúp trẻ học tốt hơn. https://baomoi.com/si-so-lop-it-giup-tre-hoc-tot-hon/c/20502047.epi. Đăng ngày 06/10/2016.
-
Hoàng Phê (chủ biên) (2006). Từ điển tiếng Việt. Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng.
-
Kim Jae Un (1991). The Koreans: their mind and behavior. Kyobo book center.
6. Minh Long (theo Nature). Nghệ thuật điều khiển đám đông. vnexpress.net, 02/2009. http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/nghe-thuat-dieu-khien-dam-dong-2124314.html
-
Nguyễn Long Châu (2000). Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc. NXB Giáo Dục.
-
Thích Nhất Hạnh & Katherine Wear (2018). Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới - Tập 1: Cẩm nang hạnh phúc. NXB Hà Nội.
-
Trần Ngọc Thêm (1997). Cơ sở văn hoá Việt Nam. NXB Giáo Dục.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - 2019 (từ trang 337 đến trang 353)