Đọc sách
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 409
NHÀ NAM BỘ HỌC, “HÀO KHÍ ĐỒNG NAI” CA VĂN THỈNH
PGS.TS. Đoàn Lê Giang
Nhắc đến Ca Văn Thỉnh người ta nghĩ ngay đến đến một người trí thức Nam Bộ lừng lẫy, một tấm gương yêu nước sáng ngời, một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một học giả uyên bác có nhiều đóng góp cho học thuật nước nhà, nhất là về nghiên cứu Nam Bộ.
Xuất thân từ mảnh đất Mỏ Cày, Bến Tre, học hết tiểu học, nhờ học giỏi mà ông được học bổng của chính quyền Pháp vào học trường Sư phạm Sài Gòn (Normal Saigon). Đi dạy học ít lâu, năm 1925 ông thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Hà Nội), một ngôi trường danh giá vào bậc nhất ở xứ Đông Dương bấy giờ. Câu nói cửa miệng “phi cao đẳng bất thành phu phụ” của các cô gái con nhà quyền quý cho thấy cái thế giá của các trường cao đẳng lúc ấy.
Ca Văn Thỉnh học khoá 1925-1928 cùng lớp với Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Phạm Thiều…, những trí thức lừng danh của Việt Nam sau này. Năm 1928 ông tốt nghiệp, quay về Nam, được bổ nhiệm Giáo sư trung học, rồi được cử làm Đốc học tỉnh Bến Tre. Con đường của một trí thức cao cấp do Pháp đào tạo ở Đông Dương như vậy là hoàn thành, người Pháp mong những “trí thức An Nam” như thế sẽ cúc cung tận tụy phục vụ cho nền cai trị của “nước mẹ Đại Pháp” và hưởng sự vinh hoa phú quý cho mình và gia đình mình từ đó. Nhưng có người trí thức chân chính nào lại cam tâm làm tay sai cho ngoại bang trong khi đồng bào mình đang đói khổ, tủi nhục vì bị áp bức, bị khinh miệt và bị mất tự do! Ông tham gia hoạt động Cách mạng, làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở Bến Tre. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Thực dân Pháp quay lại tái chiếm Nam Bộ, ông tham gia Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Tháng 3 năm 1946, ông cùng bà Nguyễn Thị Định, ông Trần Hữu Nghiệp đại diện cho khu Tám vượt biển ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tình hình Nam Bộ. Hiện nay ở Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định còn lưu lại hình ảnh, trong đó có con thuyền (phục chế) của chuyến đi lịch sử đó. Ông lãnh nhiều trọng trách trong các cơ quan giáo dục, văn hóa và ngoại giao của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa như: Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946), Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á (1955), Tổng Lãnh sự Việt Nam ở Indonesia (1956), Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương (1959-1962). Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt, do quen biết với Hoàng thân Norodom Sihanouk trong thời gian học ở Sài Gòn, ông được cử làm Đại diện Chính phủ Việt Nam tại Campuchia (1962-1966) để tìm cách mở đường vào miền Tây Nam Bộ qua ngả Campuchia. Từ năm 1968 ông quay lại làm Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương cho đến khi hòa bình thống nhất (1968-1975). Từ năm 1975 ông về Nam làm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện trưởng đầu tiên cho đến khi nghỉ hưu (1978).
Nhắc đến Ca Văn Thỉnh người hiểu biết trong lĩnh vực khoa học xã hội đều nhớ đến các công trình nghiên cứu về Nam Bộ của ông. Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, với bút danh Ngạc Xuyên, ông đã chú ý vào nghiên cứu lịch sử và văn hóa Nam Bộ. Công trình nổi tiếng đầu tiên của ông là bài nghiên cứu về “Doãn Uẩn (1794-1848), một vị quan có công bình định Trấn Tây” (Le mandarin Doan-Uan “pacificateur de l’Ouest” (1794-1848)) đăng trên tạp chí Bulletin de la société des Études indochinoises (Tạp chí của hội Nghiên cứu Đông Dương/ BSEI), số 1 năm 1941. Sau đó là các bài viết nổi tiếng khác trên Đại Việt tập chí trong hai năm 1942-1943: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Nguyễn Thông, Minh bột di ngư-một quyển sách hai thi xã, Bài diễn văn trong buổi lễ Kỉ niệm Nguyễn Đình Chiểu, Khổng học ở đất Đồng Nai, Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế… Ca Văn Thỉnh trở thành nhà nghiên cứu Nam Bộ tiên phong với quan điểm và phương pháp nghiên cứu hiện đại.
Sau 1954 tập kết ra Bắc, rồi về Nam cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Giáo sư Ca Văn Thỉnh vẫn tiếp tục niềm đam mê của đời ông là nghiên cứu về văn học và lịch sử Nam Bộ. Các công trình của ông đã đem đến sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về Nam Bộ như: Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX (1962), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (1980, 1982), Hào khí Đồng Nai (1983), Nguyễn Thông – con người và tác phẩm (1984). Các nhà nghiên cứu, sinh viên đại học văn-sử coi các công trình ấy là sách gối đầu giường của mình.
Đọc các công trình nghiên cứu về Nam Bộ của Giáo sư Ca Văn Thỉnh người ta thấy ở đó một phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, coi trọng tư liệu. Tư liệu mà ông sử dụng đều là các tư liệu nguyên gốc, xác thực, có độ tin cậy cao. Cách diễn giải của ông trong các bài viết đều rõ ràng, khúc chiết, logic chặt chẽ, hết sức thuyết phục. Và bao trùm hơn cả là tình cảm sâu đậm với mảnh đất Nam Bộ: một niềm tự hào sâu sắc về văn hóa Nam Bộ, một niềm tri ân trìu trịu với tiền nhân - những người đã đổ mồ hôi khai phá, đổ máu để giữ gìn mảnh đất này cho thế hệ mình và các thế hệ con cháu mai sau. Người ta nhớ mãi bài viết Khổng học ở đất Đồng Nai của ông đăng trên Đại Việt tập chí năm 1943, bài viết ra đời nhằm phản bác lại ý kiến của một số học giả có quan điểm thực dân khi cho rằng đất Nam Kỳ không có truyền thống văn học. Ông đã chứng minh một cách thuyết phục về văn mạch phương Nam “dằng dặc không dứt” (chữ của Lê Quý Đôn) từ Võ Trường Toản, Mạc Thiên Tứ, Đặng Đức Thuật, Nguyễn Hương, cho đến Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Phan Thanh Giản, Vương Hữu Quang, Nguyễn Thông, Trần Tử Mẫn… Người ta nhớ mãi những ý kiến thẳng thắn, trung thực của ông khi bảo vệ một số trí thức tên tuổi của Nam Bộ có nhân cách thanh cao, có đóng góp lớn đối với văn hóa - những ý kiến ấy được trình bày trong thời bao cấp, giữa lúc các tư tưởng cực đoan đang thắng thế. Các công trình nghiên cứu của ông trở thành mẫu mực cho giới nghiên cứu, chắc chắn sẽ trở thành những tài liệu không thể thiếu cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh và độc giả rộng rãi. Có thể nói với những đóng góp của mình Ca Văn Thỉnh trở thành nhà Nam Bộ học hàng đầu trong giới học thuật nước ta.
Giáo sư Ca Văn Thỉnh dành cả đời nghiên cứu về những giá trị của văn hóa Nam Bộ, về hào khí của sĩ dân Nam Bộ. Và rồi chính ông cũng trở thành một phần của những giá trị bất hủ đó, một phần của hào khí Đồng Nai mạnh mẽ ngút trời đó.
Với những đóng góp về lĩnh vực Khoa học xã hội nói trên, Giáo sư Ca Văn Thỉnh đang được nhiều tổ chức và các nhà khoa học đề nghị Nhà nước xem xét trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho các công trình nghiên cứu của ông.
Ông Nguyễn Long Trảo là con rể của Giáo sư Ca Văn Thỉnh đã dành nhiều năm trời để tập hợp tài liệu nghiên cứu về nhạc phụ của mình. Điều ấy lại làm tôi nhớ đến những công trình của Phan Văn Hùm viết về Nguyễn Đình Chiểu, ông cố ngoại của vợ mình. Anh Lê Sỹ Đồng xuất phát từ việc làm luận văn thạc sĩ về Ca Văn Thỉnh ở Khoa Văn học và Ngôn Ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - một trung tâm nghiên cứu sâu về văn học Nam Bộ, đã trở thành một “chuyên gia về Ca Văn Thỉnh”, một nhà nghiên cứu trẻ có nhiều đóng góp. Cám ơn hai nhà biên soạn đã đem đến cho độc giả một công trình dày dặn, nghiêm túc và thú vị về Giáo sư Ca Văn Thỉnh - một gương mặt trí thức tiêu biểu, hàng đầu của Nam Bộ.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2022
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 883
VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM DÀNH CHO SINH VIÊN NƯỚC NGOÀI
LỜI GIỚI THIỆU
Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc đến nay, nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh chống thiên tai, địch họa; cần cù lao động để tô thắm và gìn giữ non sông, đất nước bền vững đến muôn đời. Lịch sử đó đã soi bóng vào văn học, từ văn học dân gian đến văn học viết và trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn nhà thơ.
![]() |
Giá: 79.000 VND Vui lòng gọi số 028 668 17058 |
Cũng như nhiều nền văn học khác, văn học dân gian Việt Nam là sản phẩm tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là phương tiện đáp ứng nhu cầu bộc lộ tình cảm, thể hiện quan niệm sống, lý giải những hiện tượng tự nhiên, xã hội,... của con người một thời mà văn học dân gian còn là bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Trong chương trình đào tạo cử nhân chính quy ngành Việt Nam học cho sinh viên quốc tế tại Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, môn Văn học dân gian Việt Nam là môn học bắt buộc. Việc có một quyển giáo trình tinh giản về văn học dân gian Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu học tập của sinh viên nước ngoài cũng như việc giảng dạy của giảng viên là yêu cầu bức thiết. Vì vậy, chúng tôi tiến hành biên soạn quyển giáo trình này.
Nội dung giáo trình chủ yếu cung cấp cho sinh viên một cái nhìn tổng quát về văn học dân gian Việt Nam: đặc trưng văn học dân gian, các thể loại văn học dân gian, những tác phẩm tiêu biểu,... Trên cơ sở đó, những người quan tâm, nghiên cứu văn học Việt Nam có thể đi sâu tìm hiểu những vấn đề về văn học dân gian Việt Nam, trong tương quan so sánh với văn học dân gian của các quốc gia có những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử. Qua giáo trình, sinh viên và bạn đọc nước ngoài cũng hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.
Giáo trình gồm hai phần:
Phần 1: Nội dung chính của giáo trình, gồm 5 chương:
Chương 1: Đại cương văn học dân gian Việt Nam
Chương 2: Lời ăn tiếng nói dân gian
Chương 3: Trữ tình dân gian
Chương 4: Tự sự dân gian
Chương 5: Sân khấu dân gian
Ở mỗi chương/bài giảng, giáo trình giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất, những nội dung đơn giản nhất, phù hợp với khả năng tiếp nhận của sinh viên nước ngoài. Đối với các thể loại văn học dân gian, giáo trình giới thiệu những đặc trưng cơ bản, đặc điểm nội dung, nghệ thuật của thể loại và một vài tác phẩm tiêu biểu.
Do rào cản về ngôn ngữ nên sinh viên nước ngoài không thể tham khảo được nhiều tác phẩm văn học dân gian ở những công trình khác. Vì vậy, ở phần Bài đọc thêm của mỗi thể loại, các tác giả đã chọn giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, được đại đa số người Việt Nam biết đến để sinh viên tiện tham khảo.
Cuối mỗi bài học, giáo trình có câu hỏi hướng dẫn học bài để sinh viên có thể chuẩn bị bài trước ở nhà hoặc ôn tập sau khi học trên lớp.
Phần 2: Phụ lục
Phần lớn các tác phẩm văn học dân gian, đặc biệt là các truyện kể, thường có những từ vựng khó, sinh viên nước ngoài khó có thể hiểu được. Vì vậy, giáo trình có Bảng tra cứu từ vựng để sinh viên tiện lợi trong quá trình tìm hiểu tác phẩm.
Trên cơ sở tham khảo những công trình Văn học dân gian Việt Nam của các nhà nghiên cứu đi trước và dựa trên thực tế giảng dạy văn học dân gian cho sinh viên nước ngoài, nhóm tác giả đã cố gắng chọn và giới thiệu với sinh viên nước ngoài những tinh hoa của văn học dân gian Việt Nam, để qua văn học, giới thiệu được văn hoá, vẻ đẹp tâm hồn và phong cách thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam.
Đây là cuốn giáo trình Văn học dân gian Việt Nam đầu tiên được biên soạn cho sinh viên nước ngoài. Trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô, các bạn sinh viên, quý độc giả trong và ngoài nước quan tâm đến văn học Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9 năm 2021
KHOA VIỆT NAM HỌC
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 788
Tác giả: Dương Thắng
Howard Gardner tin rằng phần lớn những gì chúng ta đã khám phá ra liên quan đến các nguyên tắc học tập và phát triển của con người xung đột mạnh mẽ với những phong tục tập quán trong nhà trường.
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 797
Linda Lê
(Phạm Văn Quang – trích dịch từ Tu écriras sur le bonheur)
Cách nói “văn chương chuyển di” thường được hiểu trong một ý nghĩa gợi mở tình trạng xáo động, như một kiểu văn chương được viết bởi một người đã phải rời quê hương sau một biến cố thay đổi chính thể. Chính những “ngôn từ lưu đày” mỹ miều ấy đã làm rung động biết bao cảm xúc gia trưởng của giới phê bình, vẫn nóng lòng tuyên dương cái sự thống thiết của gói hành trang lưu xứ.
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 883
Đoàn Lê Giang
Hai tập sách văn học Nhật Bản của nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Nam Trân (Đào Hữu Dũng) mới ra mắt ở Việt Nam, đó là tập thơ Bách nhân nhất thủ - Thiên nhiên và luyến ai trong cổ thi Nhật Bản (2021), Tuyển tập Mori Ogai (2020), cả hai đều do Công ty Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn in ấn và phát hành.
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 866
19- Chu Mộng Long
Không có thời gian rảnh rỗi để đọc hết Trò chuyện với thiên thần của anh Trương Văn Dân. Cũng như đọc Hành trang ngày trở lại, Bàn tay nhỏ dưới mưa, đọc Trò chuyện với thiên thần phải là một cuộc trò chuyện thật sự trong không gian tĩnh lặng, thư giãn - ta trò chuyện thầm lặng với chính ta để hiểu ta và cuộc đời này.
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 1093
Nguyễn Văn Sâm
Tác phẩm một đời của tác giả để người đọc một đời.
Tôi có nói quá không khi cho rằng Trò Chuyện Với Thiên Thần là tác phẩm để người đọc một đời nghĩa là đọc đi, đọc lại, đọc mãi khi nào có dịp?
Không!
- Chi tiết
- Đọc sách
- Lượt xem: 873
Phạm Văn Quang, Võ Thị Ánh Ngọc, Sity Maria Cotika
Còn quá sớm để bàn đến hành trình văn học của Linda Lê. Tuy vậy, danh thế của tác giả hiện nay đã vượt ra ngoài ranh giới của văn chương Pháp ngữ và văn chương Pháp để đến với công chúng thế giới. Điều gì đã khiến cho một tác giả gốc Việt Nam từng trải qua những cuộc thiên di bất ổn, trở thành một hiện tượng văn học như thế? Phải chăng đó chính là một lối viết khảo cổ hư cấu đã gợi lên sự ngưỡng vọng nơi độc giả? Hay đó là những suy tưởng sâu thẳm của một lộ trình kép, hủy tạo và sáng tạo: