Lời giới thiệu
Trong diễn trình chung của đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành Việt Nam học đã và đang không ngừng có những bước tiến mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu trong vào ngoài nước. Nghiên cứu Việt Nam học là một trong những cách giúp chúng ta phục hiện và kiến giải những giá trị phổ quát của dân tộc, đồng thời đặt chúng trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu. Với hướng khai thác vừa chuyên sâu vừa đa dạng, ngành Việt Nam học gần đây đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Là một trong những đơn vị có bề dày nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học, Khoa Việt Nam học thuộc Trường Đại học KHXH & NV Tp.HCM, một mặt đang chia sẻ những nhiệm vụ chung của toàn ngành, mặt khác vẫn đang nỗ lực tạo dựng bản sắc riêng cho mình. Công trình Việt Nam học (20 năm Nghiên cứu khoa học) là một trong ba ấn phẩm được xuất bản nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa (1998-2018), bên cạnh kỷ yếu Khoa Việt Nam học – 20 năm xây dựng và phát triển và chuyên san….
Hai mươi năm, một chặng đường không quá dài nếu nhìn ở góc độ một ngành nghiên cứu, nhưng hai mươi năm ấy đủ để ghi dấu bao thế hệ đã gắn bó hết mình với công việc nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa. Thế hệ đầu tiên phải kể đến là tên tuổi của các giáo sư như Bùi Khánh Thế, Đinh Lê Thư, Nguyễn Văn Lịch, những người đã đồng hành cùng Khoa ngay từ buổi đầu khi còn là Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á. Những thành quả mà thế hệ này đạt được luôn được ghi nhớ và nhắc lại trong các buổi sinh hoạt khoa học tại khoa. Đó là Bùi Khánh Thế với tâm huyết dành cho ngôn ngữ các tộc người thiểu số; Đinh Lê Thư với niềm say mê nghiên cứu tiếng M’nông và các vấn đề phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer; Nguyễn Văn Lịch với các chuyên đề lịch sử Việt Nam và thế giới. Ngọn lửa nhiệt tâm nghiên cứu của họ được hun đúc và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo để rồi sau đó là sự góp mặt của hàng loạt những gương mặt mới với những hứng khởi mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngôn ngữ đến văn hoá, lịch sử, văn học… Nguyễn Văn Huệ với truyện cổ Raglai, văn hoá và xã hội người Raglai tại Việt Nam. Phan Thị Yến Tuyết với những công trình nghiên cứu về văn hoá biển, văn hoá các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vấn đề về biến đổi kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng người Chăm và Khmer tại Tp.Hồ Chí Minh. Lê Khắc Cường với đam mê về tiếng M’nong và tiếng Tà Mun; Trần Thuỷ Vịnh với hiện tượng mơ hồ trong tiếng Việt và tiếng Anh; Nguyễn Vân Phổ với những nghiên cứu về tiếng Việt hiện đại; Nguyễn Thị Ngọc Hân và Lê Thị Minh Hằng với niềm say mê dành cho ngữ pháp tiếng Việt và việc ứng dụng vào giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Cũng trong hoạt động nghiên cứu hiện nay, bên cạnh những tên tuổi đã tạo dựng được cho mình một số thành quả nhất định, phải kể đến những giảng viên trẻ đầy nhiệt huyết. Với lợi thế về ngoại ngữ, lại được đào tạo từ nhiều trường Đại học tiên tiến trên thế giới, nhiều người trong số họ đang mạnh dạn thể nghiệm những hướng đi mới, cách tiếp cận mới vào nghiên cứu, góp phần đặt Việt Nam trong xu hướng chuyển động chung của toàn cầu.
Với 47 bài viết được tuyển chọn từ các tham luận và các công trình được công bố tại các Hội thảo Việt Nam học và trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, Tuyển Tập Việt Nam học (20 năm Nghiên cứu Khoa học) hy vọng đưa đến cho bạn đọc những hiểu biết về Việt Nam học, đồng thời gợi mở thêm những suy tư, chiêm nghiệm mới. Các bài viết trong Tuyển tập được sắp xếp thành ba phần với các hướng tiếp cận khác nhau.
Phần một: Việt ngữ học: Gồm 25 bài viết, khai thác các vấn đề xung quanh ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa tiếng Việt. Các nghiên cứu này thường đi liền với hướng vận dụng vào thực tế giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài để làm sao đạt được hiệu quả một cách tối ưu. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm thấy ở đây sự quan tâm đặc biệt dành cho nhóm ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, qua đó để thấy được sự phong phú trong đời sống ngôn ngữ của người Việt.
Phần hai: Văn học – văn hoá: Gồm 14 bài viết xoay quanh các vấn đề về văn hoá, văn học, trong đó văn học và văn hoá Việt Nam ngoài việc được nhìn nhận như một thực thể riêng biệt với những đặc trưng riêng, còn được đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá để thấy được những chuyển biến trong quá trình giao lưu và hội nhập với thế giới.
Phần ba: Lịch sử - Xã hội: Gồm 8 bài viết với góc nhìn đa dạng từ lịch sử đến văn hoá, giáo dục, du lịch, kinh tế. Tất cả góp phần làm đa dạng thêm đời sống nghiên cứu Việt Nam học, đồng thời cho thấy sự nhạy bén trong việc nắm bắt các vấn đề mang tính thời sự của đất nước.
Nhân dịp Tuyển tập này ra mắt bạn đọc, thay mặt cho Khoa Việt Nam học, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học và đồng nghiệp đã đóng góp, đồng hành, và ủng hộ chúng tôi để công trình này đến được tay bạn đọc. Tuyển tập không chỉ là sản phẩm của các cuộc hội thảo, các lần đăng báo, mà quan trọng hơn, nó là sự kết tinh của những trăn trở, tìm tòi và suy ngẫm để đưa ngành Việt Nam học ngày một vươn xa hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!
MỤC LỤC
|
Phần I |
VIỆT NGỮ HỌC |
Trang |
1. |
Võ Thị Ngọc Ân |
Hiện tượng chuyển loại trong tiếng Việt và tiếng Anh - ứng dụng vào dạy tiếng |
|
2. |
Phan Trần Công |
Phát âm theo phương ngữ Nam Bộ - những ưu điểm và hạn chế |
|
3. |
Lê Khắc Cường Phan Trần Công |
Ghi nhận bước đầu về ngữ âm tiếng Tà Mun ở Tây Ninh và Bình Phước |
|
4. |
Đào Mục Đích Nguyễn Thị Anh Thư |
Acoustic correlates of statement and question intonation in Southern Vietnamese |
|
5. |
Nguyễn Thị Ngọc Hân |
Chuỗi từ trong cách vận dụng của sinh viên Hàn Quốc |
|
6. |
Lê Thị Minh Hằng |
Thế/Vậy dưới góc độ thực hành tiếng |
|
7. |
Huỳnh Công Hiển |
Tiếng Việt sơ cấp cho người nước ngoài - nhóm từ chỉ số lượng tuyệt đối |
|
8. |
Trần Thị Hoa |
Đôi điều cảm nhận về những nét tương đồng và dị biệt trong văn hóa Việt Nam và Nhật Bản |
|
9. |
Nguyễn Văn Huệ |
Nguyên âm mũi hóa trong tiếng Raglai |
|
10. |
Nguyễn Huỳnh Lâm Lee Na Yeong |
Lời cầu khiến của học viên người Hàn Quốc học tiếng Việt |
|
11. |
Nguyễn Thu Lan Nguyễn Trà Giang Phạm Văn Chánh |
Foreign students’ motivation in Vietnamese language course at faculty of Vietnamese studies, University of Social Science and Humanities – Ho Chi Minh City National University, Vietnam |
|
12. |
Lê Thị Hồng Minh |
Dạy từ đồng âm qua một số thể loại thơ ca dân gian và câu đối |
|
13. |
Trần Trọng Nghĩa |
Bàn về độ khó trong bài tập tiếng Việt cho người nước ngoài |
|
14. |
Nguyễn Tuấn Nghĩa |
Xây dựng tâm lí tích cực cho học viên tiếng Việt |
|
15. |
Cù Thị Minh Ngọc |
Khó khăn trong việc thực hành tiếng Việt ngoài lớp học của học viên Hàn Quốc tại Khoa Việt Nam học- Trường Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh |
|
16. |
Nguyễn Vân Phổ |
“Cùng” – tác tử đánh dấu thuyết đồng nhất |
|
17. |
Nguyễn Thanh Phong Trần Thị Tâm |
Các kết hợp biểu thị nghĩa mức độ, bên cạnh nhóm từ Rất – Quá – Lắm |
|
18. |
Nguyễn Hoàng Phương |
Không gian tri nhận của động từ tri giác |
|
19. |
Phan Thanh Tâm |
Cụm động từ tiếng Stiêng |
|
20. |
Nguyễn Thanh Thủy |
Phương pháp dạy học Task-Based Language Teaching và khả năng ứng dụng vào việc dạy tiếng Việt thương mại |
|
21. |
Đinh Lê Thư |
Cách sử dụng các phó từ chỉ mức độ Rất - Quá - Lắm, Hơi -Khá |
|
22. |
Nguyễn Thị Thanh Truyền |
Về các đơn vị “chỉnh chu”, “chỉn chu”? |
|
23. |
Nguyễn Hoàng Trung |
Sao phỏng – con dao hai lưỡi trong miêu tả ngữ pháp tiếng Việt |
|
24. |
Trần Thuỷ Vịnh |
Về truyền tải kiến thức văn hoá trong giảng dạy tiếng Việt cho học viên nước ngoài |
|
25. |
Nguyễn Thị Hoàng Yến |
Về cặp vị từ gây khiến – khởi trạng trong tiếng Việt |
|
|
|
|
|
|
Phần II |
VĂN HỌC-VĂN HÓA |
|
26. |
Trần Thị Kim Anh Nguyễn Thị Lệ Hằng |
Tục thờ tứ vị đại càn nương nương của người Việt ở Tây Nam Bộ nghiên cứu trường hợp đình Điều Hòa (Mỹ Tho, Tiền Giang) |
|
27. |
Phan Thái Bình |
Một vài so sánh trong ứng xử giữa người Việt và người Hàn |
|
28. |
Nguyễn Duy Đoài |
Tín ngưỡng Cá Ông của cư dân ở huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi |
|
29. |
Đinh Thị Dung |
Lễ hội Việt Nam nhìn từ góc độ thích ứng và hội nhập văn hóa |
|
30. |
Đoàn Lê Giang |
Nghiên cứu, giới thiệu văn học Việt Nam ở Nhật Bản |
|
31. |
Trần Thị Minh Giới |
Đọc Francois Rabelais – nghĩ về Hồ Xuân Hương |
|
32. |
Nguyễn Thị Thanh Hà |
Nghiên cứu di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam – các vấn đề về phương pháp tiếp cận |
|
33. |
Bùi Thị Duyên Hải |
Áo dài của phụ nữ Việt - Quá trình biến đổi |
|
34. |
Võ Thanh Hương & Nhóm SV |
Sự ảnh hưởng của niềm tin tâm linh và ngũ giới vào đời sống văn hoá của Phật tử Việt Nam tại chùa Quảng Tế và Phật tử Hàn Quốc tại chùa Đae Han Jeong Sa |
|
35. |
Trần Thị Mai Nhân |
Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu |
|
36. |
Nguyễn Thị Kim Phượng |
Chữ Đạo (道) trong tục ngữ, ca dao – dân ca người Việt |
|
37. |
Nguyễn Thị Huyền Trang |
Gia tài văn chương của Thiệu Trị qua Đại Nam thực lục |
|
38. |
Phan Yến Tuyết |
Chuyển đổi tín ngưỡng, tôn giáo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số tại miền Đông Nam Bộ |
|
39. |
Trần Thị Tươi |
“Nghệ thuật Dionysos” như một diễn ngôn trong thơ Thanh Tâm Tuyền |
|
|
|
|
|
|
Phần III |
LỊCH SỬ - XÃ HỘI |
|
40. |
Lê Thị Mỹ Hà |
Chuyển đổi việc làm của nông dân khu vực nông thôn trong mối quan hệ phát triển nông thôn - đô thị (nghiên cứu trường hợp Tp.Hồ Chí Minh từ năm 1997-2010) |
|
41. |
Ngô Thị Phương Lan |
Sinh kế của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer ở Bình Phước trong bối cảnh phát triển hiện nay |
|
42. |
Nguyễn Văn Lịch |
Nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam học ở trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh |
|
43. |
Nguyễn Thị Ánh Nguyệt |
Vài nét về công cuộc khẩn hoang, phát triển kinh tế ở Côn Đảo (từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX) |
|
44. |
Nguyễn Thị Diễm Phương |
Phát triển du lịch nông thôn ở Tây Nam Bộ: Tiềm năng và thách thức |
|
45. |
Bùi Khánh Thế |
Bài học từ câu Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn “dĩ bất biến ứng vạn biến” |
|
46. |
Huỳnh Đức Thiện |
Phương pháp và những vấn đề lý luận khi nghiên cứu về chuyển biến kinh tế-xã hội thời kỳ Đổi mới |
|
47. |
Phạm Lê Ánh Vân |
"Chảy máu chất xám" ở Việt Nam: giải pháp công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp |
|