Kính thưa:
Quý vị giáo sư, giảng viên, quý vị đại biểu
Thưa các anh chị sinh viên, học viên đã và đang học tập tại Khoa Việt Nam học
Hôm nay ở Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM của chúng ta diễn ra một sự kiện quan trọng: Khoa Việt Nam học tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập của Khoa. Hôm nay tất cả các thầy cô từng làm việc ở Khoa, nhiều sinh viên, học viên đã và đang học tập ở Khoa, nhiều giáo sư lãnh đạo của Trường, những đơn vị bạn trong và ngoài trường, trong nước và ngoài nước của Khoa Việt Nam học về đây để ôn lại những kỷ niệm, để đúc kết những bài học kinh nghiệm, để kết nối truyền thống với hiện tại và tương lai… Tôi xin thay mặt Khoa Việt Nam học nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của quý thầy cô, quý vị đại biểu, các anh chị em sinh viên, học viên. Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe, đạt được nhiều thành công trong công tác và hạnh phúc trong cuộc sống.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô
Mặc dù Khoa Việt Nam học chính thức thành lập vào năm 1998, nhưng tiền thân của Khoa đã có từ 18 năm trước đó. Đó là là tổ tiếng Việt cho người nước ngoài, chủ yếu cho sinh viên Campuchia thuộc Khoa Ngữ văn, được thành lập vào năm 1980, do thầy Trần Chút phụ trách. Năm 1979 nước ta giúp Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khmer cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, thì ngay năm sau - năm 1980, Bộ Giáo dục triệu tập lãnh đạo Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM ra Hà Nội nhận quyết định cấp tốc thành lập tổ tiếng Việt cho Campuchia. Thầy Trần Chút ra nhận quyết định và trực tiếp phụ trách tổ này. Ngay lập tức những sinh viên xuất sắc thuộc ngành Ngôn ngữ, Văn Tổng quát, Hán Nôm được giữ lại đào tạo cấp tốc làm giảng viên dạy tiếng Việt cho Campuchia. Đó là các anh chị: Nguyễn Thị Ngọc Hân, Lê Thị Minh Hằng (khóa 1979-1983), Trần Thị Minh Giới, Thạch Ngọc Minh, Trần Anh Tuấn (khóa 1980-1984)... Các anh chị ấy được đưa sang Campuchia làm chuyên gia để dạy tiếng Việt cho cán bộ và sinh viên Campuchia. Bao khó khăn, hiểm nguy rình rập. Thực sự các anh chị ấy không chỉ là các giảng viên đại học, mà còn như quân tình nguyện để sang xây dựng lực lượng cách mạng cho nước bạn Campuchia.
Sau đó - năm 1990, tổ tiếng Việt tách ra thành Bộ môn Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh do GS. Bùi Khánh Thế làm giám đốc Trung tâm, 2 tháng sau thì giao cho PGS.TS.Nguyễn Văn Lịch.
Năm 1998, Hội nghị khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm nhà Việt Nam học hàng đầu của quốc tế, đánh dấu sự phát triển của ngành Việt Nam học ở Việt Nam, cũng là “cú hích” để Khoa Việt Nam học ra đời. Ngày 26/12/1998 Khoa Việt Nam học được thành lập theo Quyết định số 439/QĐ/ĐHQG/TCCB của Giám đốc ĐHQG-HCM. PGS.TS.Nguyễn Văn Lịch tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng khoa. Năm học 2000-2001, Khoa đào tạo khóa đầu tiên cử nhân Việt Nam học cho người nước ngoài với 13 sinh viên. Các khoá tiếng Việt ngắn hạn cũng thu hút nhiều sinh viên nước ngoài. Đến thời điểm này, Khoa Việt Nam học đã khẳng định được vị trí của mình trong trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM).
Từ 2007 – 2012, PGS.TS. Nguyễn Văn Huệ được bổ nhiệm làm Trưởng khoa. TS. Trần Thị Minh Giới và TS. Nguyễn Hoàng Trung làm Phó Trưởng khoa. Đây là giai đoạn Khoa Việt Nam học đã phát triển về nhiều mặt và đạt được những thành tựu to lớn. Năm 2012, chương trình đào tạo đại học ngành Việt Nam học đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng Đông Nam Á AUN-QA (ASEAN Universities Network – Quality Assurance), và Khoa VNH là khoa đầu tiên trong Trường đạt được chuẩn chất lượng này.
Từ 2012 – 2018, PGS.TS. Lê Khắc Cường được bổ nhiệm làm Trưởng khoa VNH, các thầy cô: TS. Trần Thủy Vịnh, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà (01/2013-3/2014), ThS. Nguyễn Thị Hoàng Yến (4/2014-11/2015), TS. Huỳnh Đức Thiện (12/2013-6/2018), ThS. Phan Thái Bình (12/2015-6/2018) làm Phó Trưởng khoa trong những thời gian khác nhau. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của khoa có sự tăng mạnh so với nhiệm kỳ trước, số cán bộ, viên chức cơ hữu của Khoa lên tới 37 người (28 GV, 9 CV). Đặc biệt, từ năm 2013-2018, Khoa Việt Nam học có sự mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đơn vị trong và ngoài nước như giảng dạy tiếng việt cho nhân viên Lãnh sự quán Mỹ, cho sinh viên nước ngoài Trường ĐHBK TPHCM, Viện Thương mại Quốc tế TAITRA,… Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt được chuyển sang hình thức online (từ 2015), trong đó có nhiều kỳ thi được tổ chức đồng thời ở Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan.
Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô
Hai mươi năm thành lập và phát triển trong lịch sử gần 40 năm hoạt động, Khoa Việt Nam học đã có sự cống hiến của nhiều thế hệ giảng viên.
Đó là những giáo viên có mặt từ những ngày đầu thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, gồm những giáo viên thuộc Tổ Tiếng Việt và Tổ Ngôn ngữ (Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp TP HCM): Nguyễn Thị Ngọc Hân, Lê Thị Minh Hằng, Trần Thị Minh Giới, Thạch Ngọc Minh và Nguyễn Văn Huệ. Cũng trong thời điểm thành lập, Trung tâm được bổ sung 2 giáo viên từ khoa Triết học: Nguyễn Thu Thủy và Nguyễn Vân Phổ. Sau đó, Trung tâm tiếp tục tuyển chọn đội ngũ giảng dạy từ sinh viên tốt nghiệp ở nhiều khoa khác nhau: Khoa Ngữ văn, Khoa Tiếng Pháp, Khoa Tiếng Nga, Khoa Đông phương, v.v...
Sau những thầy cô có mặt từ những ngày đầu là các thầy cô tham gia giảng dạy hoặc cộng tác thực hiện đề tài nghiên cứu với Khoa: Đinh Lê Thư, Đặng Thái Minh, Nguyễn Long Châu, Nguyễn Thị Minh Trang, Trần Thị Kim Anh, Võ Thanh Hương, Nguyễn Hoài Thu Ba, Nguyễn Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Hê, Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Thị Trúc Hường, Đào Mục Đích, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Sơn Hà, Trần Thị Tâm, Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Huỳnh Công Hiển, Trần Thuỷ Vịnh, Lê Công Thanh Trúc, Đinh Lư Giang, Chu Thị Quỳnh Giao, Phan Trần Công, Lê Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Thu Thủy, Bùi Thị Phương Chi…
Trong 20 năm phát triển với biết bao thay đổi, các giáo viên thuộc thế hệ đầu tiên có người vẫn đang tiếp tục công tác với khoa, có thầy cô đã nghỉ hưu, có thầy cô đã chuyển sang công tác ở nơi khác.
Với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, với quy mô đào tạo Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lớn nhất cả nước, Khoa Việt Nam học đã quy tụ một đội ngũ giảng viên đông đảo, đa dạng, đến từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện nay Khoa có 28 giảng viên cơ hữu trong đó có 02 Phó giáo sư - Tiến sĩ; 15 tiến sĩ, 08 thạc sĩ đang là nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, cùng với hàng chục giảng viên hợp đồng, thỉnh giảng. Bên cạnh đó còn có đội ngũ chuyên viên hơn 10 người đang hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động đa dạng, phong phú của khoa.
Lực lượng giảng viên, chuyên viên có kinh nghiệm và tận tâm ấy đã tạo nên những thành tích nổi bật của Khoa Việt Nam học:
Về việc dạy tiếng Việt ngắn hạn
- Mỗi năm có hàng ngàn lượt học viên theo học các lớp ngắn hạn, riêng năm 2018 có khoảng 5.800 lượt học viên. Từ năm 1998 đến tháng 10/2018 Khoa đã đào tạo được 29.418 người theo học các lớp tiếng Việt ngắn hạn đứng đầu các cơ sở đào tạo tiếng Việt toàn quốc.
- Từ trước đến nay có học viên, sinh viên từ 95 nước-vùng lãnh thổ đến học tập và nghiên cứu tại Khoa, trong đó đông nhất là học viên Hàn Quốc, kế đó là Nhật Bản, Mỹ, Pháp…
- Khoa đã cử giảng viên đi giảng dạy tiếng Việt và văn hóa VN ở đại học các nước: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Campuchia…; các cơ quan ngoại giao đóng tại TP.HCM: Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…, các tổ chức kinh tế như: KOTRA (Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc), KOICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc), TAITRA (Viện Thương mại Quốc tế Đài Loan), các tập đoàn SAMSUNG, LG…
- Hàng năm đều tổ chức các khóa “Trải nghiệm văn hóa Việt Nam” (Study tour) cho các đoàn SV nước ngoài (Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…)
Về việc đào tạo chính quy Việt Nam học
- Số sinh viên chính quy hiện đang học ở Khoa là 280 SV, toàn bộ đều là SV nước ngoài, đông nhất trong các khoa Việt Nam học toàn quốc.
- Khoa đã đào tạo được 19 khóa với 271 sinh viên tốt nghiệp, toàn bộ là sinh viên nước ngoài. Bên cạnh đó có các hệ liên kết 2+2, 3+1 với các trường đại học Ngoại ngữ Pusan, ĐH Chungwoon, ĐH Youngsan (Hàn Quốc), cho đến nay đã có 170 sinh viên tốt nghiệp.
- Từ khoá cao học chuyên ngành Việt Nam học đầu tiên năm học 2009-2010 đến nay, Khoa đã đào tạo được 9 khoá với 98 học viên, trong đó có có 22 học viên quốc tịch Hàn Quốc, 5 Nhật Bản, 4 Đài Loan, 2 Thái Lan, 2 Mỹ, còn lại là Việt Nam.
Về việc tổ chức thi chứng chỉ Năng lực tiếng Việt quốc tế và một số công việc khác
- Tổ chức thi và cấp Chứng chỉ năng lực tiếng Việt quốc tế tại Trường 2 tháng/ kỳ, đến nay đã có hơn 200 kỳ thi với 6000 thí sinh dự thi. Khoa đang liên kết tổ chức thi Chứng chỉ Tiếng Việt Quốc tế với các trường đại học và các cơ sở giáo dục ở Hàn Quốc và Đài Loan theo hình thức online.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng Phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (3-4 khóa/ năm)
- Tính đến nay, giảng viên Khoa Việt Nam học đã xuất bản hơn 25 giáo trình, tài liệu tham khảo. Bộ Giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài gồm 5 quyển do nhóm tác giả Nguyễn Văn Huệ (chủ biên), Trần Thị Minh Giới, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Thạch Ngọc Minh biên soạn xuất bản lần đầu tiên năm 2000, 2004 (lần tái bản mới nhất năm 2018), được giáo viên và học viên trong nước cũng như nước ngoài đánh giá cao. Khoa Việt Nam học còn biên soạn gần 10 bộ giáo trình khác phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của khoa. Từ 2004 đến 2018, Khoa đã tổ chức được 12 hội thảo cấp khoa, liên khoa, liên trường và hội thảo quốc tế về nghiên cứu - giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, trong đó, có 3 Hội thảo quốc tế được tổ chức vào các năm 2008, 2015 và 2017, quy tụ nhiều giảng viên, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia.
Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ giảng viên cùng với sự lãnh đạo của Ban Chủ nhiệm khoa qua các nhiệm kỳ, trong 20 năm qua, Khoa Việt Nam học đã nhận được nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý: Bằng khen đạt thành tích Xuất sắc trong công tác giáo dục – đào tạo, Bằng khen Tập thể Lao động xuất sắc của GĐ ĐHQG TPHCM (các năm từ 2000 đến 2017), Bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (2009-2010, 2016-2017), Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, năm 2013 vì “Đạt thành tích trong công tác từ NH 2010-2011 đến NH 2012-2013 góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”.
Đạt được những thành công 20 năm qua, Khoa Việt Nam học đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều thế hệ lãnh đạo ĐHQG TP.HCM cũng như Nhà trường. Cho phép tôi thay mặt Khoa Việt Nam học được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến: PGS.TS. Phan Thanh Bình, Ủy viên BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Đại học Quốc Gia Tp.HCM nhiệm kỳ 2017-2016; PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Đại học Quốc Gia TP.HCM hiện nay; cùng Đảng ủy, ban Giám đốc Đại học Quốc Gia Tp.HCM đã lãnh đạo, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Khoa Việt Nam học.
Khoa Việt Nam học trân trọng cảm ơn: PGS.TS. Nguyễn Quang Điển, Nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV nhiệm kỳ 1996-1999; GS.TS. NGND. Ngô Văn Lệ, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV nhiệm kỳ 1999-2007; GS.TS. NGƯT. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV nhiệm kỳ 2007-2018; Cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã lãnh đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Khoa Việt Nam học trong suốt thời gian qua.
Khoa Việt Nam học trân trọng cảm ơn: PGS.TS.Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Khoa Việt Nam học nhiệm kỳ 1998- 2002 và 2002-2007, người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam & Đông Nam Á, sau đó là Khoa Việt Nam học. Với hai nhiệm kỳ Trưởng khoa Việt Nam học, thầy đã mở ra đường hướng cơ bản, ổn định, phát triển Khoa; PGS.TS.Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Khoa Việt Nam học nhiệm kỳ 2007-2012, Phó trưởng Khoa nhiệm kỳ 2002-2007, người đã phát triển quan hệ quốc tế, nghiên cứu khoa học, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học đi vào nề nếp, đưa Khoa Việt Nam học phát triển mạnh mẽ; PGS.TS. Lê Khắc Cường, Trưởng Khoa Việt Nam học nhiệm kỳ 2013-2018, người kế thừa sự phát triển của Khoa giao đoạn trước, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, từng bước hiện đại hóa trong công tác quản lý, giảng dạy và tổ chức thi năng lực tiếng Việt.
Khoa Việt Nam học trân trọng cảm ơn: Thầy Trần Chút, nguyên Phó trưởng Khoa Ngữ văn, tổ trưởng tổ Ngôn ngữ, người đã nhận quyết định thành lập tổ tiếng Việt cho người nước ngoài năm 1980, tiền thân của Khoa Việt Nam học sau này; GS.TS.NGND. Bùi Khánh Thế, Nguyên Trưởng Khoa Đông phương học, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VN- ĐNA; PGS.TS.NGƯT. Đinh Lê Thư, Nguyên Trưởng Khoa Đông phương học, Nguyên GV Khoa Việt Nam học; PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết, Nguyên Phó Trưởng Bộ môn Nhân học, GVC Khoa Việt Nam học; TS. Đinh Thị Dung, nguyên trưởng BM Lịch sử-Văn hóa VN và ĐNA, Khoa VN học, đã có nhiều công lao đối với sự phát triển của khoa, đặc biệt trong việc đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ.
Khoa Việt Nam học trân trọng cảm ơn: Tất cả những thầy cô giáo thuộc thế hệ đầu tiên của Khoa Việt Nam học cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của Khoa. Quý thầy cô đã chung tay, góp sức đưa khoa Việt Nam học vượt qua những khó khăn, thử thách, sớm đi vào ổn định và phát triển bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tâm huyết và ý thức truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Khoa Việt Nam học trân trọng cảm ơn: Tất cả quý vị Giáo sư, Giảng viên của các khoa trong và ngoài trường; lãnh đạo và nhân viên của các phòng ban, các đoàn thể của Trường; các đối tác trong và ngoài nước; các thế hệ học viên, sinh viên của Khoa Việt Nam học đã nhiệt tình cộng tác, hỗ trợ Khoa trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong suốt 20 năm qua.
Kính chúc quý thầy cô, quý vị đại biểu có mặt trong buổi lễ long trọng ngày hôm nay dồi dào sức khỏe, thành công trong công tác và hạnh phúc trong cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn.
PGS.TS. LÊ GIANG,
Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường Đại học KHXH và NV - ĐHQG TP.HCM
ĐT: 0919553381; This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.