Nguyễn Đình Phức
Tóm tắt nội dung: Huang Yiqiu (黄轶球Hoàng Dật Cầu 1906-1990), giáo sư, Trưởng khoa Trung văn, Đại học Tế Nam, Trung Quốc, trước nay luôn được xem là người có nhiều đóng góp, đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc. Thành tựu mà ông đạt được khá phong phú, ví như Khảo luận về điển tịch Việt Nam (1949), Kim Vân Kiều truyện (bản dịch chữ Hán, 1959), Cung oán ngâm khúc (bản dịch chữ Hán), Việt Nam Phật giáo sử lược, Việt Nam Hán thi lược,… Vốn là một Hoa kiều, mẫn tiệp, từng tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp, cho nên ông có khá nhiều mối giao hảo với các trí thức hàng đầu Việt Nam, như Trần Văn Giáp, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Nam Trân, Phạm Phú Tiết,…
Mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở mức xã giao, mà giúp ông hiểu hơn về con người và văn hóa Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng rất nhiều công trình mà ông hoàn thành. Bài viết này trên cơ sở khảo cứu những công trình về văn học Việt Nam của tác giả, xét trong bối cảnh nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc để đánh giá những công hiến to lớn của Huang Yiqiu với ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc riêng, thế giới Hoa ngữ nói chung.
Từ khóa: Huang Yiqiu Văn học Việt Nam ở Trung Quốc Bản dịch chữ Hán Truyện Kiều
Prof. Huang Yiqiu and Vietnamese literature study in China
Abstract: Huang Yiqiu (1906-1990), professor, Dean of Chinese Faculty, Jinan University, China, is always considered as a person having a lot of contribution, laying the foundation for the study of Vietnamese literature in China. His accomplishments is quite fabulous, such as Treatise on Vietnamese classic reference (1949), Kim Van Kieu story (Chinese translation, 1959), Cung Oan Ngam Khuc (Chinese translation), Vietnamese Buddhist history, Vietnam Han Thi Luoc ... Being a diligent and quick-witted Chinese, graduated Doctor of Philosophy in France, he had plenty of relationship with Vietnam's leading intellectuals, such as Tran Van Giap, Dang Thai Mai, Nguyen Van Hoan, Nguyen Nam Tran, Pham Phu Tiet,... This relationship does not just stop at the social level but also helps him understand better the people and culture of Vietnam, helps him improve the quality of many works accomplished by him. This article is based on the study about Vietnamese literary works of the author, in the context of Vietnamese literary study in China in order to assess the tremendous dedication of Huang Yiqiu research to Vietnamese literary study in China in particular, Chinese world in general.
Keywords: Huang Yiqiu, Vietnamese Literature in China, Chinese translation of Tale of Kieu
GS. Huang Yiqiu và mối duyên với Việt Nam
- Huang Yiqiu (黄轶球) sinh năm 1906 tại Malaysia, nguyên quán huyện Tăng Thành, tỉnh Quảng Đông. Cha ông Huang Junhua, chuyên viên kỹ thuật, từng đảm nhiệm vai trò kỹ sư trưởng một công ty khai thác mỏ của người Hoa hoạt động tại Malaysia. Năm 1922, sau khi hoàn tất bậc tiểu học, ông về Trung Quốc học trung học, đại học. Năm 1929, ngay sau khi tốt nghiệp đại học Quốc Dân Quảng Châu, ông sang Thụy Sĩ du học, ông lấy bằng thạc sĩ văn học tại Đại học Freiburg, liền sau đó vào năm 1932, ông chuyển sang Pháp học tiến sĩ tại Viện văn học thuộc Đại học Paris. Năm 1935, sau khi quân Nhật chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc, tiếp tục dòm ngó Hoa Bắc, Huang Yiqiu khi ấy quyết định tạm ngưng việc học, trở về Quảng Châu với mục tiêu dùng giáo dục cứu nước. Sau khi về nước, ông giảng dạy tại đại học Quốc Dân Quảng Châu, không lâu ông được thăng hàm Giáo sư, kiêm Trưởng khoa, Viện trưởng Viện văn học. Từ năm 1949 trở đi, ông là Giáo sư văn học, đồng thời từng giữ chức Phó khoa, Trưởng khoa khoa Trung văn, Đại học Tế Nam, Trung Quốc. Ngoài công tác giáo dục, ông còn tham gia hoạt động chính trị, từng giữ các chức như Ủy viên hội công nông thuộc Đảng Dân Chủ, tỉnh Quảng Đông; Ủy viên Hiệp chính tỉnh Quảng Đông các khóa 1, 2, 3, 4, 5; thư ký Hiệp hội Văn học nước ngoài toàn Trung Quốc.
- Huang Yiqiu bén duyên cùng Việt Nam khá sớm. Vào năm 1932, khi chuyển đến học tiến sĩ tại Viện văn học, Đại học Paris, ông gặp học giả Trần Văn Giáp tại đây. Vốn đều là dân Á đông, cùng tinh thông Hán văn, Pháp văn, có cùng vấn đề quan tâm là văn học, cho nên hai ông trở thành bạn thân rất nhanh. Tuy sau đó không lâu, cùng năm đó, Trần Văn Giáp về nước làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ, nhưng mối giao hảo này kéo dài hơn 40 năm, thậm chí sau khi Trần Văn Giáp tạ thế, Huang Yiqiu vẫn day dứt vì chưa hoàn thành lời hứa trước đó cùng cố nhân. Điều này được ông thổ lộ trong lời đề tựa cho bản dịch Trung văn do chính ông dịch từ tiếng Pháp công trình Việt Nam Phật giáo sử lược của Trần Văn Giáp, được công bố lần đầu tại Trung Quốc vào năm 1985:
Trần Văn Giáp là học giả nổi tiếng Việt Nam giai đoạn hiện đại, sinh năm 1898 (nghi lầm - LNV). Từ nhỏ đã học Hán văn, có hiểu biết nhất định đối với điển tịch cổ điển Trung Quốc. Sau đó chuyên học Pháp văn, từng có 6 năm học tập ở Pháp, học cùng các nhà Hán học người Pháp như G. Maspero, Paul Pelliot…, chuyên mảng ngữ văn phương Đông… Trần Văn Giáp viết sách rất nhiều, tiêu biểu có Việt Nam điển tịch khảo, Việt Nam Phật giáo sử lược, Lưu Vĩnh Phúc, Hán Nôm tàng thư thám sách, tập 1, tập 2… Năm 1938, người dịch (chỉ Huang Yiqiu) từng dịch bộ Việt Nam điển tịch khảo của ông. Năm 1961, được gửi tặng sách này (chỉ Việt Nam Phật giáo sử lược), dặn rằng nên dịch thành Hán văn, nhằm thúc đẩy mối giao lưu học thuật Việt Trung. Vật đổi sao dời, cho mãi tận đến hôm nay mới hoàn tất lời hứa xưa…[1]
(GS. Huang Yiqiu,1906-1990 ) (GS. Trần Văn Giáp, 1902-1973)
Có thể nói, trong các tác giả Việt Nam, Trần Văn Giáp là người có ảnh hưởng lớn nhất đến Huang Yiqiu, thậm chí có nhiều khả năng, ông còn là một trong những tác nhân chính khiến Huang Yiqiu yêu thích và say mê tìm hiểu, nghiên cứu văn học Việt Nam. Cụ thể, thông qua Trần Văn Giáp, ông biết đến tình hình thư tịch Việt Nam; kết hợp từ góc nhìn và mục tiêu của một chuyên gia văn học so sánh, thúc đẩy ông hoàn tất bản dịch Việt Nam điển tịch khảo của Trần Văn Giáp vào năm 1938. Đây đồng thời là cơ sở để ông tiếp tục triển khai và xây dựng ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc.
Từ mối giao hảo với tác giả Trần Văn Giáp, từ đầu những năm 60 thuộc thế kỷ XX về sau (có thể còn sớm hơn), quan hệ giữa Huang Yiqiu và các học giả, giáo sư, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam đã được triển khai khá rộng. Những tư liệu liên quan về nội dung này hiện còn không nhiều, nhưng từ mảng thơ xướng họa và hình ảnh tư liệu do phía Trung Quốc còn lưu giữ, có thể thấy rõ mối quan hệ này. Cụ thể, với GS. Đặng Thai Mai (1902-1984), chùm thơ viết năm 1966 của Huang Yiqiu có bài thơ hồi đáp viết:
Mê Công nam vọng trận vân thâm,
Cử thế hân văn báo tiệp âm.
Sắt sắt quan đàm oanh cửu biệt,
Biền biền tinh tiết hỷ trùng lâm.
Lê gia trúc hiểm Kim Âu cố,
Trần đại hoành giang thiết tỏa trầm.
Anh liệt thiên niên kế truyền thống,
Tặng quân khẳng khái nhất trường ngâm. (Việt Nam Đặng Thai Mai đồng chí đề Huệ ước ngộ, thời tại Vân thành, tiên báo dĩ thi)
(Nhìn về phương Nam nơi dòng Mê Công mây khói âm u,
Cả thế giới đều vui mừng khi nghe báo tin thắng trận.
Dòng nước sâu hiu hắt mãi day dứt vì xa cách đã lâu,
Cờ sứ vùn vụt mừng vì người xưa lại đến.
Triều Lê thống nhất đất nước, đất Cà Mau vững chãi;
Triều Trần giăng cọc sắt ngang sông, khiến bao thuyền giặc bị chìm.
Các vị anh hùng nối tiếp nhau viết nên truyền thống ngàn năm,
Nay tặng trước ông bài thơ thất luật khẳng khái.) (Đồng chí Đặng Thai Mai Việt Nam đến Quảng Châu hẹn gặp, tôi khi ấy đang ở Vân Thành, bèn dùng thơ để đáp lại)
Bài này ở phần tự chú, tác giả chua thêm “chia tay ông tính đến nay đã hai năm” (dữ quân biệt dĩ lưỡng niên). Thời điểm cách đó hai năm tức năm 1964, vào ngày 30 tháng 7, GS. Đặng Thai Mai khi ấy với tư cách Viện trưởng Viện Văn học có lẽ đã dẫn đoàn đại biểu thăm và khảo sát tư liệu văn học Việt Nam ở Trung Quốc, đặc biệt tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Lại do ở thời điểm đó, hai công trình nổi bật của Huang Yiqiu về Nguyễn Du và Truyện Kiều là “Nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du và kiệt tác Kim Vân Kiều truyện” (1958) và bản dịch Trung văn Truyện Kiều (1959) đều đã được công bố, không những thế, bản dịch Trung văn Truyện Kiều của ông còn được Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa vào danh sách tài liệu tham khảo bắt buộc với các khoa viện đào tạo ngôn ngữ văn học phương Đông thuộc các trường Cao đẳng và Đại học trên toàn Trung Quốc. Chính bởi khi ấy Huang Yiqiu đã trở thành một học giả hàng đầu Trung Quốc về Nguyễn Du và Truyện Kiều, cũng như mảng văn học cổ trung đại Việt Nam, cho nên hầu như các đoàn học giả văn học, văn hóa đến từ Việt Nam, đều sắp xếp thời gian đến thăm ông khi có dịp ghé thăm Quảng Châu. Thành phần tham gia đoàn đại biểu năm 1964 khá nhiều, thảy đều là những học giả hàng đầu về văn học trung đại Việt Nam, như GS. Nguyễn Văn Hoàn, nhà nghiên cứu Phạm Phú Tiết, nhà thơ Nam Trân,… Bài thứ nhất trong chùm thơ 5 bài họa thơ Nam Trân kiêm tặng Nguyễn Văn Hoàn viết:
Viên lâm nhất giác cách hiêu trần,
Thặng hữu đài ngân triệt tích tân.
Tiểu phúc tả chân hoàn tế nhậm,
Luận văn do ức ngộ ngôn thân. (Thứ Nam Trân đồng chí kiến tặng vận bính giản Nguyễn Văn Hoàn đồng chí, kỳ nhất)
(Viên lâm một góc cách xa chốn bụi trần,
Vẫn còn dấu xe mới in trên đám rêu xanh.
Bức ảnh tả chân vẫn còn có thể nhận rõ từng chi tiết,
Bàn luận văn chương còn nhớ cảnh hội ngộ, lời nói thân thiết.) (Họa bài thơ đồng chí Nam Trân tặng, kiêm đáp đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, bài 1)
- Nguyễn Văn Hoàn (1932-2015) khi ấy là Nghiên cứu viên phòng Văn học cổ cận đại Việt Nam, sau đó từng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Văn học (1980-1988), Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam. Tuy là chuyên gia văn học Italia, từng vinh dự được Tổng thống Cộng hòa Italia trao tặng Huân chương Hiệp sĩ vì những đóng góp vào việc phổ biến tiếng Italia và văn học Italia tại Việt Nam, nhưng duyên nợ cả đời GS. Nguyễn Văn Hoàn dường như lại gắn bó với Truyện Kiều. Ngay từ hàng loạt những chuyên luận công bố đầu những năm 1960, như Bước đầu kiểm điểm cuộc thảo luận về Truyện Kiều (1960-1961), Bàn thêm về hiệu đính Truyện Kiều (1962), Sơ bộ giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc (1964)… Cho đến tận khi ông mất, ngày 17 tháng 6 năm 2015, trước đó vài ngày ông đã sang Trung Quốc, diễn thuyết tại Đại học Bắc Kinh, rồi vòng về Nam Ninh, diễn thuyết tại Đại học Quảng Tây, nhằm giới thiệu, bình giảng, khẳng định giá trị kiệt tác Truyện Kiều, cũng nhằm chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế nhân Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015). Nhưng vừa về đến nhà hôm trước thì hôm sau ông đã thanh thản ra đi.
(GS.Nguyễn Văn Hoàn và gia đình GS. Huang Yiqiu, ảnh chụp tại Quảng Châu
năm 1964. Trong ảnh GS. Nguyễn Văn Hoàn là người thứ tư từ trái qua)
Nhà thơ Nam Trân (1907-1967) tên thật là Nguyễn Học Sĩ, được đánh giá là nhà thơ lạ nhất trong các thi sĩ của phong trào Thơ mới. Lúc nhỏ cho đến năm 12 tuổi, ông học chữ Hán và lối văn trường ốc. Sau đó, ông vào học tại Trường Quốc học Huế, rồi Trường Bưởi, Hà Nội. Học xong, ông đi làm tham tá tòa khâm sứ Huế, rồi làm tá lý bộ Lại (tòng tam phẩm) và thị lang bộ Lại (chánh tam phẩm), cuối cùng là Án sát tỉnh Bình Định. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia kháng chiến, rồi tập kết ra Bắc, đồng thời trở thành một trong những thành viên sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1959, ông về công tác tại Viện Văn học, chuyên về công tác dịch thuật thơ Đường, thơ Tống, thơ Lý Trần, thơ từ Đào Tấn, thơ Quách Mạt Nhược… với bút danh Tương Như. Ông cũng là một trong những người có công mở và tham gia giảng dạy lớp Hán Nôm đầu tiên ở miền Bắc, do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Bài thứ ba trong chùm thơ trên ngoài tán thưởng tài thơ của Nam Trân, còn tái hiện không khí thân mật, cao nhã của buổi đón tiếp:
Tài điệu tung hoành quýnh xuất trần,
Du du văn sử cựu kiêm tân.
Bắc viên đấu tửu cuồng ca dạ,
Sái lạc hào tình can đản tân. (Đồng thượng, kỳ tam)
(Tài thơ tung hoành vượt xa cõi trần,
Tự do tự tại trong kho văn sử, cả cũ lẫn mới.
Ngâm đến câu thơ thành Thăng Long bạn cũ nhớ nhau,
Nỗi tương tư nơi cuối trời tình thân càng thêm thân.) (Như trên, bài 3)
Bài thơ thứ hai trong chùm thơ hai bài họa đáp Phạm Phú Tiết viết:
Thi tao tự hưởng phát nguyên thâm,
Thiên ngoại truyền lai đại nhã âm.
Biểu hải hùng phong cung khiếu ngạo,
Viên sơn thắng khái hiếu đăng lâm.
Xuân quy Việt Bắc hoa tranh phát,
Lũy ức Bình Tây tích vị trầm.
Ký đắc Phạm công danh cú tại,
Tiên ưu hậu lạc nhất nga ngâm. (Việt Nam Phạm Phú Tiết tiên sinh huệ thi, y vận phụng họa, thời Nam phương đại tiệp nhị thủ, kỳ nhị)
(Sự nghiệp thơ ca khởi nguồn sâu,
Ngoài trời truyền tới lời thơ Đại Nhã.
Mặt biển cuồng phong cùng kiêu hãnh gào thét,
Tản Viên thắng cảnh người người thích viếng thăm.
Xuân về Việt Bắc hoa đua nở,
Chiến lũy gợi nhớ công danh hiển hách của nghĩa quân Trương Định thuở nào.
Nhớ mãi câu thơ hay của ông Phạm công Phú Tiết,
Ngày ngày ngâm nga câu “lo trước được vui sau”.) (Ông Phạm Phú Tiết người Việt Nam tặng thơ, y vần họa đáp 2 bài, khi ấy cũng đúng dịp miền Nam vừa thắng lớn, bài 2)
Phạm Phú Tiết (1894-1981) tên tự là Trúc Tôn, người đất Quảng Nam, là cháu nội của Song nguyên Hoàng giáp Phạm Phú Thứ. Sau khi đỗ Cử nhân năm 24 tuổi, ông ra làm quan, được bổ làm Tổng đốc Bình Phú (Tổng đốc hai tỉnh Bình Định và Phú Yên). Sau ông tập kết ra Bắc, công tác tại Ban nghiên cứu Tuồng, do giỏi lý luận lẫn diễn xuất, cho nên ông được tôn xưng là thầy Tuồng của Việt Nam. Ông còn là một nhà thơ chuyên viết thơ chữ Hán, đồng thời tham gia giảng dạy lớp Hán Nôm đầu tiên ở miền Bắc, do Viện văn học tổ chức. Ở phần tự chú của chùm thơ Tái họa nhị thủ, Huang Yiqiu cho biết: Phạm Phú Tiết từng đến thăm Quảng Châu, đồng thời trong công trình Việt Nam Hán thi lược, ông từng tuyển 7 bài thơ của Phạm Phú Tiết. Trong những buổi giao lưu như thế, từ trong văn chương, Huang Yiqiu luôn thể hiện sự trân trọng, nhiệt tình, luôn hết lòng vì bạn hữu và văn chương. Ông cho rằng không khí đàm luận, xướng họa thơ văn cùng các tác giả Việt Nam, hoàn toàn không kém Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Cao Thích cùng ca nữ uống rượu, hát thơ nơi Kỳ Đình thuở nọ:
Yên nguyệt trường đê thủy tiếp thiên,
Khách trình tằng thướng Hải Châu thuyền.
Hào tình bất giảm Kỳ Đình xướng,
Văn thái phong lưu ánh thất thiên. (Tái họa nhị thủ, kỳ nhất)
(Trăng khói đê dài nước tiếp trời,
Trong hành trình của khách, đã từng lên thuyền xứ Hải Châu này.
Không khí buổi đón tiếp thực không kém tiệc hát thơ nơi Kỳ Đình thuở nọ,
Tài năng văn chương cùng chất phong lưu đều thấm đẫm trong bảy bài thơ từng tuyển.) (Lại họa thêm 2 bài, bài 1)
Thường với mỗi bài thơ, chùm thơ xướng của các tác giả Việt Nam, Huang Yiqiu thường họa lại đến mấy bài, mấy chùm khi chưa hết ý, thậm chí sau khi khách đã rời đi, nếu còn hứng, ông vẫn truy họa thêm. Ví như:
Giao khế Nam Trân hựu Trúc Tôn,
Sính hoài hàn mặc nghị tương đôn.
Đầu lai thạch phá thiên kinh cú,
Tả xuất binh thanh ngọc khiết hồn.
Châu hải nguyệt minh triều hữu tín,
Kiếm hồ xuân noãn tuyết vô ngân.
Hà niên cánh tác Bình Nguyên ẩm,
Chúc tiệp thi thành tửu thượng ôn. (Dư ý vị tận, tái thành nhất luật kiêm giản Việt Nam văn học viện Nam Trân đồng chí)
(Kết giao cùng Nam Trân, lại kết giao cùng Trúc Tôn;
Mở lòng bằng thơ văn, tình hữu nghị càng thêm bền chặt.
Đã ngâm thành câu kinh thiên động địa,
Lại viết ra câu mang tinh thần của ngọc cốt băng tâm.
Trăng sáng xứ Châu Hải cùng nước triều lên xuống theo lệ,
Nắng xuân ấm áp nơi Hồ Gươm nên tuyết rơi không lưu dấu vết.
Đến năm nào lại được cùng uống rượu như Bình Nguyên thuở nào?
Khi ấy bài thơ mừng chiến thắng sẽ làm xong khi rượu vừa rót ra chén còn ấm.) (Tôi hứng thơ chưa hết, lại làm thêm bài thơ luật, kiêm đáp đồng chí Nam Trân thuộc Viện Văn học Việt Nam)
Trong giai đoạn Việt Nam còn chìm đắm trong chiến tranh, dù muốn dù không trong câu chuyện của họ, ám ảnh chiến tranh luôn ngự trị. Thế nhưng Huang Yiqiu với tư cách một người đã đi qua nỗi đau chiến tranh, ông luôn hiểu và chia sẻ, thậm chí cũng như bao người dân Việt Nam, ông cũng lắng tin vui từ chiến trận, trông ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng:
Gia hội Dương thành lạc vị chung,
Ly diên nhất khúc khứ thông thông.
Trường tiên điệp ký dao tương ức,
Hỷ thính Nam thiên tấu khải công. (Phản đối Mỹ đế quốc chủ nghĩa xâm phạm Việt Nam kiêm hoài Nguyễn Văn Hoàn, Nam Trân đồng chí, kỳ nhất)
(Tụ hội nơi thành Dương khi niềm vui chưa dứt,
Sau khúc ly bôi khách lại hộc tốc rời xa.
Thư từ tiễn đưa gửi nỗi niềm nhớ nhung khi xa nhau,
Vui nghe được tin trời Nam tấu khúc khải hoàn.) (Phản đối Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, đồng thời thể hiện nỗi nhớ Nguyễn Văn Hoàn, Nam Trân, bài 1)
Cẩm cú lưu đề bách phúc tiên,
Lâm kỳ trùng đính tái lai duyên.
Cao lầu tha nhật tương phùng xứ,
Cộng phú Nam phương giải phóng thiên. (Đồng thượng, kỳ nhị)
(Câu thơ hay lưu trên bức tranh trăm chữ phúc như còn tươi mới,
Lúc gần chia tay lại nói đến ngày gặp lại.
Ngày ấy nơi lầu cao là chốn tương phùng,
Sẽ cùng nhau xướng họa ca ngợi ngày giải phóng miền Nam.) (Như trên, bài 2)
Tất nhiên vượt lên tất cả trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học của Huang Yiqiu vẫn là duyên nợ với văn học Việt Nam, với văn học trung cận đại, nhất là với Nguyễn Du và Truyện Kiều:
Kiều truyện lưu truyền lưỡng bách niên,
Hốt kinh hải ngoại hữu tân thiên.
Tàn cảo thặng phức chân vô giá,
Văn tảo viêm hoang khởi hậu hiền.(Độc tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện tuyệt cú bát thủ, kỳ nhất)
(Truyện Vương Thúy Kiều lưu truyền đã 200 năm,
Lại giật mình kinh hãi vì hải ngoại có tác phẩm mới.
Tàn cảo hương thừa thực vô giá,
Trong rừng văn xa xôi xứ phương Nam lại cho ra đời bậc hậu hiền.) (Đọc tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện tứ tuyệt 8 bài, bài 1)
Nói tóm lại, một đời Huang Yiqiu với tư cách một chuyên gia hàng đầu ở mảng nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc, thực sự có quá nhiều mối liên hệ với Việt Nam. Tất nhiên những liên hệ này đôi khi cũng đứt rồi lại nối theo thời cuộc, cũng mang đến cho bản thân ông không ít phiền phức, thế nhưng, chúng đồng thời là cơ sở, là điểm tựa để Huang Yiqiu mở rộng, nâng tầm cho những công trình nghiên cứu của chính mình.
- Thành tựu nghiên cứu văn học Việt Nam của GS. Huang Yiqiu
Thành tựu nghiên cứu văn học Việt Nam của Huang Yiqiu hiện còn tuy không đầy đủ, nhưng khá phong phú, có thể tạm phân thành ba mảng: dịch thuật, biên tập xuất bản và nghiên cứu.
Ở mảng dịch thuật, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau đây:
Việt Nam điển tịch khảo của Trần Văn Giáp, bản dịch Trung văn do Huang Yiqiu dịch và chú thích, hoàn tất năm 1938; năm 1949, Viện Văn học thuộc Đại học Quốc dân Quảng Đông xuất bản. Vì Huang Yiqiu không biết tiếng Việt, cho nên sách này có nhiều khả năng được dịch từ Les chapitres bibliographiques de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú.
Kim Vân Kiều truyện, bản dịch Hán văn từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng không dịch trực tiếp từ bản tiếng Việt, mà dịch qua bản tiếng Pháp Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh (sách do Alexandre de Rhodes xuất bản Hà Nội năm 1942), tất nhiên trong quá trình dịch có tham khảo và đối chiếu với bản tiếng Việt. Bản dịch Trung văn được Huang Yiqiu hoàn tất tháng 9 năm 1958, sau đó được thu vào Á Phi văn học tùng thư, Nhân dân văn học xuất bản xã xuất bản tại Bắc Kinh năm 1959. Bản dịch này sau được Nhật báo Giải phóng (nay là Báo Sài Gòn Giải phóng bản tiếng Hoa) xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976.
Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Hán văn không rõ được Huang Yiqiu dịch xong năm nào, nhưng có nhiều khả năng trước sau giai đoạn tháng 3 năm 1961, thời điểm ông hoàn tất bài viết Nghiên cứu danh tác Cung oán ngâm khúc trong văn học cổ điển Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả nhắc nhiều đến bản dịch Pháp văn Les Ennuis d’une Odaisque của Đỗ Thúc (bản in dầu do Học viện Viễn Đông Bác Cổ in tại Hà Nội năm 1922), cho nên có nhiều khả năng tác giả dịch trực tiếp từ bản dịch này.
Lục Vân Tiên truyện của Nguyễn Đình Chiểu, bản dịch Hán văn có lẽ được dịch trên cơ sở tham khảo hai bản dịch Pháp văn của Aubaret và của Abe des Michels.
Việt Nam văn học phát triển khái lược của GS. Đặng Thai Mai, Huang Yiqiu dịch Hán văn từ bản Pháp văn đăng tải trên tạp chí Âu châu, kỳ 387 – 388 (in chung), xuất bản tại Paris năm 1961. Bản dịch Hán văn sau đó công bố trên Đông Nam Á nghiên cứu tư liệu, số 4 năm 1964, do Sở nghiên cứu Đông Nam Á, Phân viện Trung Nam thuộc Viện Khoa học Trung Quốc biên tập, xuất bản. Sách này gần đây được in lại trong Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Ký Nam đại học xuất bản xã, 2004, tr.454-472.
Ngoài ra, còn có bản dịch Việt Nam Phật giáo sử lược, dịch từ bản tiếng Pháp Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle của Trần Văn Giáp. Sách này hiện in trong Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Ký Nam đại học xuất bản xã, 2004, tr.410-453.
Ở mảng biên tập xuất bản, nổi bật nhất có hai công trình:
Việt Nam Hán thi lược, Huang Yiqiu biên tập, khoa Trung văn, Học viện Sư phạm Quảng Đông xuất bản tháng 9 năm 1959. Sách gồm 6 quyển, tuyển thơ của 137 nhà, tổng cộng 411 bài. Sách này sau khi xuất bản, trở thành tài liệu tham khảo chính, được sử dụng phổ biến cho sinh viên các chương trình đào tạo có liên quan đến văn học Việt Nam ở Trung Quốc cho đến tận ngày nay.
Việt Nam phú liên tuyển tập, Huang Yiqiu biên tập hoàn tất vào tháng 2 năm 1960. Đối tượng biên tập chủ yếu gồm các bài phú và các câu đối nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Sách hiện chưa được xuất bản ở Trung Quốc.
Ngoài ra, ông còn dự định biên tập tuyển tập tản văn chữ Hán Việt Nam, tuy nhiên dự định này về sau do nhiều nguyên nhân, không được tác giả tiếp tục xúc tiến.
Ở mảng nghiên cứu, đây là mảng có bề dày thành tích và có đóng góp nhiều nhất từ khía cạnh học thuật. Dưới đây xin tạm dẫn một số công trình tiêu biểu:
Nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều, bài viết được công bố lần đầu trên Hoa Nam sư phạm học viện học báo, số 4 năm 1958. Theo lời tác giả, bài viết này hoàn thành sau khi toàn bộ bản dịch Hán văn hoàn tất. Nội dung bài viết khá phong phú, ngoài phần cuộc đời, thời đại và sự nghiệp của Nguyễn Du, còn có các mục như: nguồn gốc và quá trình Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều, kết cấu Truyện Kiều, ý nghĩa tiến bộ và thành tựu nghệ thuật của tác phẩm. Thông qua khá nhiều khía cạnh được phân tích, tác giả nhấn mạnh, Truyện Kiều là đỉnh cao nhất của văn học Việt Nam, nó không đơn thuần là bản dịch Việt văn từ tiểu thuyết Hán văn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà thông qua việc mượn một đề tài ngoại lai, bằng tài năng của mình, đã biểu đạt thành công tư tưởng, tình cảm của tác giả trước thời đại mà ông đang sống.
Nghiên cứu danh tác Cung oán ngâm khúc trong văn học cổ điển Việt Nam, bài viết vốn là một báo cáo khoa học, in lần đầu trong Kỷ yếu khoa học lần 2 của Học viện Sư phạm Quảng Đông, tháng 3 năm 1961; sau in trong Quảng Đông sư viện tùng san, xuất bản năm 1962. Nội dung bài viết chủ yếu gồm hai phần: tác giả và thời đại, ý nghĩa xã hội và thành tựu nghệ thuật. Ở phần hai của bài viết, tác giả ngoài phân tích những thành công của tác phẩm ở phương diện nghệ thuật trong tương quan với ý nghĩa tư tưởng, còn tập trung khá nhiều vào việc khảo cứu mối quan hệ ảnh hưởng từ văn học, văn hóa Trung Quốc của các yếu tố được chuyển tải trong Cung oán ngâm khúc. Quan điểm chung của tác giả từ bài viết này là, khẳng định Cung oán ngâm khúc với tư cách là một trong những thành tựu đỉnh cao của văn học chữ Nôm Việt Nam.
Nguồn gốc, quá trình phát triển và thành tựu thơ chữ Hán của Việt Nam, bài viết hoàn thành tháng 9 năm 1961, sau công bố trên tạp chí Học thuật nghiên cứu, số 4 năm 1962. Nội dung bài viết phân thành ba phần rõ rệt: khảo sát nguồn gốc, quá trình phát triển và thành tựu. Ở phần thành tựu, ngoài nêu ra hai nhược điểm của thơ chữ Hán Việt Nam là tính chiến đấu không cao, ít viết về đề tài cái tôi cá nhân và tình yêu nam nữ, còn nêu ra khá nhiều điểm đáng khẳng định của thơ chữ Hán Việt Nam.
Luận truyền thống anh hùng trong thơ ca kháng chiến Nam Bộ thế kỷ XIX, bài viết được hoàn thành với phần giúp đỡ dịch thơ của tác giả Hoa kiều từng sống tại Việt Nam là Từ Thiện Phúc, vốn là một bài luận công bố trên Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu khoa học của Học hội nghiên cứu văn học ngôn ngữ Quảng Đông năm 1964. Bố cục bài viết gồm bốn phần: Hào khí Đồng Nai, phong trào phản kháng giặc Pháp của nhân dân Nam kỳ lục tỉnh, những tác giả và tác phẩm phản ánh hào khí Đồng Nai và nhà thơ yêu nước lớn Nguyễn Đình Chiểu. Bài viết đánh giá cao mảng thơ ca chống Pháp giai đoạn này trong lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời xem đó là một mảng cần thúc đẩy nghiên cứu.
Thành tựu nổi bật của thơ chữ Hán Việt Nam, bài viết gồm 31 trang, vốn là phần lời dẫn trong công trình Việt Nam Hán thi lược của tác giả đã nêu trên đây, sau tách riêng in trong Việt Nam văn sử nghiên cứu tư liệu, quyển 3, do khoa Văn học Ngôn ngữ Trung Quốc, Học viện Sư phạm Quảng Đông xuất bản năm 1961. Bài viết gồm 5 phần: ý nghĩa thực tế của việc nghiên cứu thơ chữ Hán Việt Nam, nguồn gốc sâu xa của thơ ca chữ Hán Việt Nam, sơ lược các giai đoạn phát triển của thơ chữ Hán Việt Nam, thơ chữ Hán Việt Nam và tình hữu nghị, giao lưu văn hóa Trung Việt và những đánh giá chung về thơ chữ Hán Việt Nam. Nhìn chung quan điểm của tác giả là khẳng định tính tích cực của đối tượng nghiên cứu và cần có kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Cống hiến và ảnh hưởng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, bài viết hoàn thành với phần hỗ trợ dịch thơ Việt của tác giả Hoa kiều từng sống tại Việt Nam là Từ Thiện Phúc, vốn là bài viết đăng trong Kỷ yếu hội thảo của Học hội Phi –Á Trung Quốc, do khoa Trung văn, Đại học Tế Nam xuất bản năm tháng 7 năm 1964; sau in trong Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Ký Nam đại học xuất bản xã, 2004, tr.156-193. Nội dung bài viết gồm 5 phần: thời đại và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu, thành tựu sáng tác văn học của Nguyễn Đình Chiểu (gồm hai phần thượng và hạ), đánh giá tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu và một số khía cạnh liên quan khác. Đánh giá chung của tác giả về Nguyễn Đình Chiểu là khẳng định và ca tụng.
Truy nguồn hình thành của các tác phẩm nổi tiếng trong văn học cổ điển Việt Nam, bài viết không rõ được hoàn thành ở thời điểm nào, nhưng được công bố lần đầu tiên trên học báo Đại học Tế Nam, bản Triết học xã hội khoa học, số 1 năm 1982. Bài viết về bố cục phân thành hai thiên thượng và hạ. Thiên thượng gồm 4 mục: khảo sát nguồn gốc truyện thần thoại thần Kim Quy, khảo sát giai thoại đối đáp thơ văn của Pháp sư Thuận với sứ thần nhà Tống là Lý Giác ở giai đoạn Tiền Lê, khảo sát nguồn gốc bài thơ đề quạt của Mạc Đĩnh Chi trong thời gian đi sứ Trung Quốc, khảo sát nguồn gốc các tác phẩm Lâm tuyền kỳ ngộ của tác giả khuyết danh, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự, Ngọc Kiều Lê của Lý Văn Phức… trong tương quan với văn học Trung Quốc ở giai đoạn Lê Nguyễn. Nội dung thiên hạ không khảo sát cụ thể từng trường hợp, mà đi sâu bàn luận chung về mối quan hệ nhân quả giữa các điển cố, mô típ, hình tượng, cốt truyện… trong văn học Trung Quốc và Việt Nam. Có thể thấy rõ, bài viết được hoàn thành trên cơ sở lý luận nghiên cứu ảnh hưởng của trường phái văn học so sánh Pháp.
Nói tóm lại, với những công trình tiêu biểu được nêu và giới thiệu sơ lược trên đây, có thể thấy rõ tính bao quát và chuyên sâu trong các công trình của Huang Yiqiu. Nhìn từ khía cạnh thời gian, hầu hết những công trình của ông được hoàn thành khoảng giai đoạn nửa cuối thập niên 50 và nửa đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, giai đoạn khoảng từ 1965 trở đi đến khoảng cuối thập niên 80, giai đoạn này chồng khít với Cách mạng Đại văn hóa ở Trung Quốc, tuy bản thân tác giả không nói ra, nhưng có thể thấy rõ ảnh hưởng của chính trị vào học thuật lẫn đời sống. Giai đoạn từ sau cải cách 1978 trở đi, giai đoạn này phần vì tuổi già, phần vì căng thẳng biên giới giữa hai nước, cho nên những điều ông làm được cho việc thúc đẩy nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc, tuy có nhưng khá khiêm tốn.
- Phương pháp nghiên cứu văn học Việt Nam của GS. Huang Yiqiu
Với tư cách một chuyên gia hàng đầu về văn học so sánh ở Trung Quốc, trong bài viết Tỷ giảo văn học tạp đàm, ông cho rằng:
Nghiên cứu văn học so sánh trước nay chủ yếu lấy Âu Mỹ làm trung tâm. Một số người làm công tác nghiên cứu văn học so sánh Âu Mỹ cũng phần nhiều chịu ảnh hưởng của quan niệm này mà xem nhẹ văn học phương Đông. Những năm gần đây, dưới sự cố gắng của các học giả Trung Quốc, thói quen không bình thường, thiếu khoa học này mới dần được chấn chỉnh. Vì thế chủ trương xây dựng trường phái Trung Quốc trong văn học so sánh mới được nhiều người chú ý… Trung Quốc là quốc gia cổ đại trong nền văn minh Châu Á, từ lâu đã có mối quan hệ giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia khác thuộc Châu Á. Các quốc gia như Ấn Độ cổ đại, Ba Tư, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam có vị trí nhất định trong sử sách Trung Quốc. Vậy nên, những nghiên cứu của chúng ta, ngoài việc so sánh văn học Trung Quốc – Âu Mỹ, càng phải chú ý hơn đến những vấn đề giao lưu, ảnh hưởng qua lại trong lịch sử văn học phương Đông[2].
Ông đồng thời nêu rõ, văn học so sánh thông thường đi bằng hai chân, tức hoặc nghiên cứu ảnh hưởng, hoặc nghiên cứu song song. Loại thứ nhất phù hợp với nghiên cứu văn học so sánh ở phương Đông, loại còn lại phù hợp với nghiên cứu so sánh ít có mối quan hệ lịch sử như văn học Trung Quốc – Âu Mỹ. Ngoài ra, việc nghiên cứu so sánh đồng thời phải dựa trên cơ sở công tác dịch thuật giới thiệu tư liệu nghiên cứu cơ bản, nếu không khó có thể thúc đẩy việc nghiên cứu so sánh theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Bài viết trên đây hiện không rõ được tác giả hoàn thành khi nào, nhưng nó được công bố khá muộn, phải mãi đến tháng 10 năm 1983, nó mới được đăng trên số 1, tập san Văn học tỷ giảo nghiên cứu thông tấn do Phòng nghiên cứu lý luận văn nghệ, khoa Trung văn, Đại học Tế Nam biên tập. Tuy nhiên, với tư cách một chuyên gia được đào tạo ở Pháp, cái nôi của văn học so sánh thế giới với chủ trương nghiên cứu ảnh hưởng, kết hợp những công trình nghiên cứu của ông bao gồm cả những công trình sớm nhất, chúng ta đều có thể thấy rõ ảnh hưởng đậm nét của văn học so sánh Pháp. Như vậy, có thể khẳng định, Huang Yiqiu triển khai nghiên cứu văn học Việt Nam chính trên khung lý thuyết của văn học so sánh, đặc biệt là theo quan điểm của trường phái nghiên cứu ảnh hưởng Pháp.
Từ cơ sở lý luận nêu trên, nhìn từ khía cạnh phương pháp, nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc của Huang Yiqiu nhìn chung có mấy điểm đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, điều kiện để triển khai nghiên cứu so sánh là cần có những đảm bảo tương đối về mặt tư liệu nghiên cứu, đây là nguyên nhân Huang Yiqiu đặc biệt chú trọng công tác dịch giới thiệu những công trình tư liệu, công trình văn học sử, cùng các danh tác trong kho tàng văn học Việt Nam. Và việc tạo nguồn tư liệu nghiên cứu, trước Huang Yiqiu hầu như chưa được bất kỳ học giả Trung Quốc nào chú ý tới. Cho đến thời điểm hiện tại, Huang Yiqiu vẫn được xem là người dẫn đầu về số lượng bản dịch Hán văn trong số các danh tác của văn học Việt Nam.
Thứ hai, đi cùng việc đảm bảo nguồn tư liệu nghiên cứu, việc thông hiểu tiếng Việt cũng được xem là một điều kiện quan trọng trong nghiên cứu so sánh. Huang Yiqiu tinh thông Pháp văn, Anh văn, thông làu kinh tịch, văn học truyền thống Trung Quốc, thế nhưng ông lại không biết tiếng Việt, điều này đã tạo nên không ít bất cập, cũng như tạo “sóng gió” trong giới học thuật từ một số bản dịch Trung văn của ông, trong đó bản dịch Trung văn Truyện Kiều là một trường hợp nổi bật. Thực ra, công bằng mà nói, Huang Yiqiu trong nghiên cứu của mình chưa từng xem nhẹ điều kiện thông tỏ tiếng Việt, bằng chứng là, trong quá trình dịch thuật, mặc dù có bản dịch tiếng Pháp để dựa vào, ông vẫn nhờ đến chuyên gia tinh thông tiếng Việt là Từ Thiện Phúc. Không dừng lại ở đó, với những bản dịch được xuất bản chính thức như Truyện Kiều, ông cũng tỏ ra khiêm tốn khi viết: “Vì tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam trước nay chưa từng có bản dịch chữ Hán, nên không thể tham khảo. Xét từ khía cạnh thể thức thơ ca, người dịch cũng chỉ có biết cố gắng hết mình, sao cho bản dịch gần với hình thức của nguyên tác, hy vọng về cơ bản có thể chuyển tại đặc trưng ngôn ngữ cũng như dư vị của tác phẩm văn học cổ điển. Còn những chỗ khúc chiết vi diệu của nguyên tác đương nhiên là không thể nào đạt đến được[3].” Nói ra điều này còn chứng tỏ tác giả biết rõ tính tương đối của bản dịch trong tương quan với nguyên tác, đây đồng thời lí giải nguyên do, tại sao trong văn học thế giới cùng một nguyên tác lại có hàng loạt bản dịch không ngừng xuất hiện. Từ đây có thể thấy rõ, việc PGS. Phạm Tú Châu quy lỗi cho bản dịch Hán văn của Huang Yiqiu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quan điểm phiến diện của tác giả Trung Quốc Đổng Văn Thành về Truyện Kiều là bất cập[4]; việc GS. Đài Loan là Trần Ích Nguyên dường như có ý biện hộ cho Đổng Văn Thành[5], đồng thời cho rằng việc các học giả Việt Nam yêu cầu các tác giả Trung Quốc phải hiểu nguyên tác Truyện Kiều trước khi tiến hành so sánh văn học là cố ý làm khó người khác cũng hoàn toàn không thể chấp nhận[6]. Thực tế điều kiện của so sánh văn học là phải hiểu nguyên tác từ cả hai phía, theo chúng tôi, hơn ai hết GS. Huang Yiqiu hiểu rõ nguyên tắc này, duy chỉ đáng tiếc là, không ít hậu bối của ông đã bỏ qua điều kiện tiên quyết này.
Thứ ba, Huang Yiqiu trong quan niệm về nghiên cứu văn học so sánh của mình chủ trương hai kiểu nghiên cứu ảnh hưởng và song song. Từ những bài viết của ông, có thể thấy rõ điểm mạnh trong nghiên cứu ảnh hưởng, điều này có nguyên nhân từ việc ông được đào tạo ở Pháp, từ mối tương quan nội văn hóa giữa các nền văn học phương Đông, đặc biệt là mối quan hệ khăng khít giữa văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam. Tuy chưa đề cập đến những khác biệt thú vị, những yếu tố nội sinh mà vốn dĩ cả hai nền văn hóa, văn học đều tồn tại, nhưng điểm đáng quý ở đây là cách xử lý mối quan hệ tương quan nhân quả, ông không quá đề cao nhân dẫn đến coi thường quả, cũng không quá trọng quả đến mức bỏ qua nhân, mà thường cố gắng đi sâu lý giải thực chất vấn đề ở khả năng Việt hóa, sáng tạo, chuyển hóa, phái sinh, phát triển, hoàn chỉnh ở cả khía cạnh nội dung lẫn nghệ thuật đi từ những tác phẩm văn học Trung Quốc sang văn học Việt Nam. Thế nhưng đây lại là điểm bất cập lớn nhất mà các học giả Trung Quốc từ sau công trình so sách văn học của Đổng Văn Thành thường phạm phải, thậm chí cho đến tận giai đoạn hiện này.
Thứ tư, là một chuyên gia được đào tạo bài bản từ phương Tây, những công trình nghiên cứu của Huang Yiqiu thường được triển khai nghiên cứu hài hòa giữa các phương diện tác giả – văn bản – độc giả (tất nhiên khía cạnh độc giả chưa thật nổi bật), giữa mối quan hệ hình thức nghệ thuật mang nghĩa và quy định nội dung tác phẩm. Đây là điểm mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm không dễ nhận ra ngay từ những giai đoạn đầu tiên khi mới tiếp xúc với di sản lý luận phương Tây. Đây đồng thời cũng là lý do khiến khoa Trung văn, Đại học Tế Nam nơi ông công tác đào tạo được nhiều cán bộ giỏi, trở thành trung tâm đào tạo nổi tiếng Trung Quốc ở mảng Văn học so sánh và Văn nghệ học.
Kết luận
Ở Trung Quốc, khi nhắc các bậc tiền bối trong ngành nghiên cứu văn học Việt Nam, thường không ai không nhắc đến tên tuổi hai vị Yan Bao (Nhan Bảo, công tác tại Đại học Bắc Kinh) và Huang Yiqiu. Cả hai người họ đều được đào tạo ở Pháp, đều là chuyên gia hàng đầu về văn học so sánh ở Trung Quốc, và đặc biệt đều có duyên nợ sâu đậm với văn học Việt Nam, đặc biệt là mảng văn học trung đại.
Xét từ khía cạnh thành tựu, tuy đều xuất phát từ văn học so sánh, đều chú trọng hướng nghiên cứu ảnh hưởng trong việc triển khai nghiên cứu so sánh giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc, nhưng số lượng công trình của GS. Huang Yiqiu về văn học Việt Nam có bề dày hơn và có phạm vi quan tâm rộng và bao quát hơn.
Ở Việt Nam, khi nhắc đến GS. Huang Yiqiu (Hoàng Dật Cầu), phần nhiều học giả thường mang định kiến gán ông với một dịch giả dịch Truyện Kiều không biết tiếng Việt, đây là nguyên nhân gây ra những những bất cập trong đánh giá Truyện Kiều của tác giả Trung Quốc nói riêng, thế giới Hoa ngữ nói chung. Bài viết này thông qua việc xem xét tổng hòa từ nhiều khía cạnh, cho thấy, những bất cập trong cách nhìn nhận, đánh giá của một số không ít học giả Việt Nam về ông, đồng thời cho thấy tâm huyết, công lao và cống hiến không nhỏ của ông ở mọi khía cạnh đối với ngành nghiên cứu văn học Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc.
2.Triệu Ngọc Lan (2013), Kim Vân Kiều truyện: phiên âm dữ nghiên cứu, Nxb Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
- Lý Văn Hùng (1954), Kim Vân Kiều bình giảng, Tân Hoa thư cục, Sài Gòn.
- La Trường Sơn (2006), Kim Vân Kiều truyện, Nxb Văn nghệ.
- Trương Cam Vũ (1994), Kim Vân Kiều truyện, Nxb Văn nghệ.
- Đổng Văn Thành (1986, 1987), So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam, in trong Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, tập 4, 5, Xuân Phong văn nghệ; in lại trongThanh đại văn học luận cảo, Xuân Phong văn nghệ, 1994.
(Khoa Việt Nam học (Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học, Kỷ yếu Hội thảo, NXB.ĐHQG TP.HCM, 2017)
[1] Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc, tr.410.
[2] Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc, tr.202.
[3] Huang Yiqiu (2004), Huang Yiqiu trứ dịch tuyển tập, Nxb Đại học Tế Nam, Trung Quốc, tr.383.
[4] Phạm Tú Châu (2005), Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch, in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều (Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Giáo dục, tr.1583-1593.
[5] Đổng Văn Thành (2005), So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch), in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều (Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Giáo dục, tr.1542-1574.
[6] Trần Ích Nguyên (1998), Việt Nam Kim Vân Kiều truyện đích Hán văn dịch bản, in trong Trung Hoa văn hóa dữ thế giới Hán văn học luận văn tập, Nxb Hiệp hội nhà văn Hoa văn thế giới, tr.196.