LTS: Bản tin ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu bài phát biểu của GS Hiroki Tahara - Trường ĐH Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Ông là cựu sinh viên thế hệ đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, tiền thân của Khoa Việt Nam học.
GS HIROKI TAHARA - PHIÊN AN ghi
Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1991. Sau 3 học kỳ tại Trường ĐH Ngoại Ngữ Tokyo, tôi qua Việt Nam và chính thức vào học tiếng Việt ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á. Hồi đó, số sinh viên nước ngoài còn rất ít, nếu tôi nhớ không nhầm thì không quá 50 sinh viên. Trong đó, 10 người là sinh viên Nhật Bản. Quan hệ hai nước Nhật - Việt cũng chưa được phát triển như hôm nay.
Tuy còn rất non trẻ nhưng đội ngũ giáo viên của trung tâm đã sở đắc tri kiến uyên thâm. Mọi người đều nhiệt tình và chuyên nghiệp trong việc dạy tiếng Việt. Điều này làm cho sinh viên nước ngoài, trong đó có tôi, càng say mê học tiếng Việt hơn nữa. Tôi còn nhớ lúc ấy, tôi được học theo chế độ “một thầy một trò”. Sinh viên có thể đặt câu hỏi bất cứ lúc nào, về chủ đề hay lĩnh vực nào đều được thầy cô sẵn lòng trả lời và cung cấp các tài liệu hữu quan cho sinh viên.
Vì trong lớp có một mình nên tôi không cúp cua được. Tôi không có quyền nói “em chưa ôn bài”, “em chưa thuộc bài”. Đã học bài nào thì phải nhớ bài nấy. Bài giảng thỉnh thoảng khó, tôi làm bài như ăn bún bò Huế cực cay nhưng lại rất bổ. Dù 27 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ những nội dung chính của bài giảng và các câu nói mà thầy cô thường nói với tôi: “Lại quên rồi hả?”, “Sao em không chịu ôn bài?”…
Về cơ sở vật chất thì không thể so sánh với hiện nay được. Lớp tôi học ngày ấy không có máy điều hòa mà chỉ có quạt trần lại hay bị cúp điện. Phòng không đóng kín cửa được nên trong giờ học, ngoài việc “chiến đấu” với giáo trình, sinh viên nước ngoài luôn phải đối mặt với sự tấn công của “quân địch” là các loại muỗi, kiến. Và chúng tôi thường phải “đầu hàng” bọn chúng. Do đó, chúng tôi luôn phải kè kè chai dầu xanh bên cạnh sách vở. Bây giờ, mỗi lần nghe mùi dầu xanh, tôi lại nhớ căn phòng học cũ với những gương mặt quý mến của cô thầy.
Tôi đã vào làm việc ở Trường ĐH Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương khi trường vừa thành lập vào năm 2000. Trong những năm qua, trường đã đào tạo khoảng 750 sinh viên học tiếng Việt. Các sinh viên không chỉ là người Nhật mà còn đến từ các nước khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Mexico… Trong số sinh viên này, khoảng 100 người đã về Khoa Việt Nam học của Trường ĐH KHXH&NV thực tập tiếng Việt theo chương trình liên kết giữa hai trường. Có khoảng 20 sinh viên đã xin nghỉ học ở bên Nhật để qua Việt Nam học 1 - 2 năm. Ngoài ra, trường chúng tôi đã đào tạo gần 2.000 sinh viên Việt Nam hệ cử nhân. Với tình hữu nghị của hai đơn vị chúng ta, đã có rất nhiều tài năng trẻ am hiểu văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, tích cực đóng góp cho sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Học tiếng Việt thật là hay. Với kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp được học tại Khoa Việt Nam học, tôi đã làm việc ở ngành ngoại giao với vai trò là Tùy viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Rồi trở về ngành giáo dục, tôi vẫn kiếm cơm được. Tôi cùng học trò của mình đi lên Tây nguyên làm từ thiện, đóng góp nho nhỏ trong việc học tiếng Việt của các em học sinh dân tộc thiểu số. Nhờ có tiếng Việt, tôi đã kết bạn bốn phương, đặc biệt là quý anh chị em gốc Việt tại miền Nam California. Tiếng Việt là một phần máu thịt của tôi. Và tôi chắc chắn không chỉ riêng mình, đối với những ai từng học ở đây, tiếng Việt đều trở thành một phần máu thịt của họ.
Thầy cô kính mến! Nay em đã trưởng thành và trưởng thành hơn một chút khi làm giáo sư của một trường đại học ở bên Nhật, là một thầy giáo được các em sinh viên yêu mến, có thể góp sức mình vào việc nghiên cứu Việt ngữ học và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Em có được như ngày hôm nay hoàn toàn là nhờ sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của quý thầy cô.
Thầy cô ơi, em nhớ thầy cô và biết ơn thầy cô lắm.
Nhân ngày vui của Khoa Việt Nam học, kính chúc quý thầy cô luôn mạnh khỏe. Chúc tình thầy trò của chúng ta mãi mãi tươi đẹp.
* Tít do Bản tin ĐHQG-HCM đặt.
Box
Gần 30.000 học viên nước ngoài theo học tiếng Việt
PGS.TS Lê Giang - Trưởng khoa Khoa Việt Nam học, cho biết như vậy tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Việt Nam học - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, sáng 20/12.
Theo PGS.TS Lê Giang, từ năm 1998 đến nay, khoa đã đào tạo 29.418 học viên theo học các lớp tiếng Việt ngắn hạn. Riêng năm 2018, khoa có khoảng 5.800 lượt học viên, trở thành đơn vị đứng đầu các cơ sở đào tạo tiếng Việt toàn quốc.
“Học viên, sinh viên từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ đến học tập và nghiên cứu tại khoa. Trong đó đông nhất là học viên Hàn Quốc, kế đó là Nhật Bản, Mỹ, Pháp… Cùng với đào tạo cử nhân và thạc sĩ Việt Nam học, công tác giảng dạy Tiếng Việt đã góp phần đưa Khoa Việt Nam học ngày càng phát triển và hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá trong tương lai” - Trưởng khoa Khoa Việt Nam học cho biết.
GS Hiroki Tahara phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: YẾN THI
PGS.TS Lê Giang trao Kỷ niệm chương vì sự phát triển ngành Việt Nam học cho các giảng viên Khoa Việt Nam học. Ảnh: YẾN THI
Ca sĩ Hari Won - cựu sinh viên khoa Việt Nam học gây xúc động với ca khúc Bụi phấn. Ảnh: PHIÊN AN