NHÀ NAM BỘ HỌC, “HÀO KHÍ ĐỒNG NAI” CA VĂN THỈNH

PGS.TS. Đoàn Lê Giang

 Nhắc đến Ca Văn Thỉnh người ta nghĩ ngay đến đến một người trí thức Nam Bộ lừng lẫy, một tấm gương yêu nước sáng ngời, một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một học giả uyên bác có nhiều đóng góp cho học thuật nước nhà, nhất là về nghiên cứu Nam Bộ.

Xuất thân từ mảnh đất Mỏ Cày, Bến Tre, học hết tiểu học, nhờ học giỏi mà ông được học bổng của chính quyền Pháp vào học trường Sư phạm Sài Gòn (Normal Saigon). Đi dạy học ít lâu, năm 1925 ông thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Hà Nội), một ngôi trường danh giá vào bậc nhất ở xứ Đông Dương bấy giờ. Câu nói cửa miệng “phi cao đẳng bất thành phu phụ” của các cô gái con nhà quyền quý cho thấy cái thế giá của các trường cao đẳng lúc ấy.

Ca Văn Thỉnh học khoá 1925-1928 cùng lớp với Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Phạm Thiều…, những trí thức lừng danh của Việt Nam sau này. Năm 1928 ông tốt nghiệp, quay về Nam, được bổ nhiệm Giáo sư trung học, rồi được cử làm Đốc học tỉnh Bến Tre. Con đường của một trí thức cao cấp do Pháp đào tạo ở Đông Dương như vậy là hoàn thành, người Pháp mong những “trí thức An Nam” như thế sẽ cúc cung tận tụy phục vụ cho nền cai trị của “nước mẹ Đại Pháp” và hưởng sự vinh hoa phú quý cho mình và gia đình mình từ đó. Nhưng có người trí thức chân chính nào lại cam tâm làm tay sai cho ngoại bang trong khi đồng bào mình đang đói khổ, tủi nhục vì bị áp bức, bị khinh miệt và bị mất tự do! Ông tham gia hoạt động Cách mạng, làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở Bến Tre. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Thực dân Pháp quay lại tái chiếm Nam Bộ, ông tham gia Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Tháng 3 năm 1946, ông cùng bà Nguyễn Thị Định, ông Trần Hữu Nghiệp đại diện cho khu Tám vượt biển ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tình hình Nam Bộ. Hiện nay ở Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định còn lưu lại hình ảnh, trong đó có con thuyền (phục chế) của chuyến đi lịch sử đó. Ông lãnh nhiều trọng trách trong các cơ quan giáo dục, văn hóa và ngoại giao của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa như: Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946), Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á (1955), Tổng Lãnh sự Việt Nam ở Indonesia (1956), Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương (1959-1962). Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt, do quen biết với Hoàng thân Norodom Sihanouk trong thời gian học ở Sài Gòn, ông được cử làm Đại diện Chính phủ Việt Nam tại Campuchia (1962-1966) để tìm cách mở đường vào miền Tây Nam Bộ qua ngả Campuchia. Từ năm 1968 ông quay lại làm Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương cho đến khi hòa bình thống nhất (1968-1975). Từ năm 1975 ông về Nam làm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện trưởng đầu tiên cho đến khi nghỉ hưu (1978).

Nhắc đến Ca Văn Thỉnh người hiểu biết trong lĩnh vực khoa học xã hội đều nhớ đến các công trình nghiên cứu về Nam Bộ của ông. Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, với bút danh Ngạc Xuyên, ông đã chú ý vào nghiên cứu lịch sử và văn hóa Nam Bộ. Công trình nổi tiếng đầu tiên của ông là bài nghiên cứu về “Doãn Uẩn (1794-1848), một vị quan có công bình định Trấn Tây” (Le mandarin Doan-Uan “pacificateur de l’Ouest” (1794-1848)) đăng trên tạp chí Bulletin de la société des Études indochinoises (Tạp chí của hội Nghiên cứu Đông Dương/ BSEI), số 1 năm 1941. Sau đó là các bài viết nổi tiếng khác trên Đại Việt tập chí trong hai năm 1942-1943: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Nguyễn Thông, Minh bột di ngư-một quyển sách hai thi xã, Bài diễn văn trong buổi lễ Kỉ niệm Nguyễn Đình Chiểu, Khổng học ở đất Đồng Nai, Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế… Ca Văn Thỉnh trở thành nhà nghiên cứu Nam Bộ tiên phong với quan điểm và phương pháp nghiên cứu hiện đại.

         Sau 1954 tập kết ra Bắc, rồi về Nam cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Giáo sư Ca Văn Thỉnh vẫn tiếp tục niềm đam mê của đời ông là nghiên cứu về văn học và lịch sử Nam Bộ. Các công trình của ông đã đem đến sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về Nam Bộ như: Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX (1962), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (1980, 1982), Hào khí Đồng Nai (1983), Nguyễn Thông – con người và tác phẩm (1984). Các nhà nghiên cứu, sinh viên đại học văn-sử coi các công trình ấy là sách gối đầu giường của mình.

         Đọc các công trình nghiên cứu về Nam Bộ của Giáo sư Ca Văn Thỉnh người ta thấy ở đó một phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, coi trọng tư liệu. Tư liệu mà ông sử dụng đều là các tư liệu nguyên gốc, xác thực, có độ tin cậy cao. Cách diễn giải của ông trong các bài viết đều rõ ràng, khúc chiết, logic chặt chẽ, hết sức thuyết phục. Và bao trùm hơn cả là tình cảm sâu đậm với mảnh đất Nam Bộ: một niềm tự hào sâu sắc về văn hóa Nam Bộ, một niềm tri ân trìu trịu với tiền nhân - những người đã đổ mồ hôi khai phá, đổ máu để giữ gìn mảnh đất này cho thế hệ mình và các thế hệ con cháu mai sau. Người ta nhớ mãi bài viết Khổng học ở đất Đồng Nai của ông đăng trên Đại Việt tập chí năm 1943, bài viết ra đời nhằm phản bác lại ý kiến của một số học giả có quan điểm thực dân khi cho rằng đất Nam Kỳ không có truyền thống văn học. Ông đã chứng minh một cách thuyết phục về văn mạch phương Nam “dằng dặc không dứt” (chữ của Lê Quý Đôn) từ Võ Trường Toản, Mạc Thiên Tứ, Đặng Đức Thuật, Nguyễn Hương, cho đến Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Phan Thanh Giản, Vương Hữu Quang, Nguyễn Thông, Trần Tử Mẫn… Người ta nhớ mãi những ý kiến thẳng thắn, trung thực của ông khi bảo vệ một số trí thức tên tuổi của Nam Bộ có nhân cách thanh cao, có đóng góp lớn đối với văn hóa - những ý kiến ấy được trình bày trong thời bao cấp, giữa lúc các tư tưởng cực đoan đang thắng thế. Các công trình nghiên cứu của ông trở thành mẫu mực cho giới nghiên cứu, chắc chắn sẽ trở thành những tài liệu không thể thiếu cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh và độc giả rộng rãi. Có thể nói với những đóng góp của mình Ca Văn Thỉnh trở thành nhà Nam Bộ học hàng đầu trong giới học thuật nước ta.

         Giáo sư Ca Văn Thỉnh dành cả đời nghiên cứu về những giá trị của văn hóa Nam Bộ, về hào khí của sĩ dân Nam Bộ. Và rồi chính ông cũng trở thành một phần của những giá trị bất hủ đó, một phần của hào khí Đồng Nai mạnh mẽ ngút trời đó.

         Với những đóng góp về lĩnh vực Khoa học xã hội nói trên, Giáo sư Ca Văn Thỉnh đang được nhiều tổ chức và các nhà khoa học đề nghị Nhà nước xem xét trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho các công trình nghiên cứu của ông.

         Ông Nguyễn Long Trảo là con rể của Giáo sư Ca Văn Thỉnh đã dành nhiều năm trời để tập hợp tài liệu nghiên cứu về nhạc phụ của mình. Điều ấy lại làm tôi nhớ đến những công trình của Phan Văn Hùm viết về Nguyễn Đình Chiểu, ông cố ngoại của vợ mình. Anh Lê Sỹ Đồng xuất phát từ việc làm luận văn thạc sĩ về Ca Văn Thỉnh ở Khoa Văn học và Ngôn Ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - một trung tâm nghiên cứu sâu về văn học Nam Bộ, đã trở thành một “chuyên gia về Ca Văn Thỉnh”, một nhà nghiên cứu trẻ có nhiều đóng góp. Cám ơn hai nhà biên soạn đã đem đến cho độc giả một công trình dày dặn, nghiêm túc và thú vị về Giáo sư Ca Văn Thỉnh - một gương mặt trí thức tiêu biểu, hàng đầu của Nam Bộ.

TP.Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2022