Linda Lê

(Phạm Văn Quang – trích dịch từ Tu écriras sur le bonheur)

Cách nói “văn chương chuyển di” thường được hiểu trong một ý nghĩa gợi mở tình trạng xáo động, như một kiểu văn chương được viết bởi một người đã phải rời quê hương sau một biến cố thay đổi chính thể. Chính những “ngôn từ lưu đày” mỹ miều ấy đã làm rung động biết bao cảm xúc gia trưởng của giới phê bình, vẫn nóng lòng tuyên dương cái sự thống thiết của gói hành trang lưu xứ.

 Một tin tức mới đây ở Việt Nam, gần Hà Nội kể rằng: Một anh nông dân 20 tuổi được mang đi nhà thương. Anh gặp phải những cơn đau vùng bụng. Các bác sĩ phẫu thuật lấy ra từ trong bụng anh một bào thai đã tử vong nặng 2 ký, đầu đã mọc tóc, có đầy đủ chân tay. Người mẹ của anh nông dân khi sinh anh ra đã ở tình trạng song thai. Vì dị tật nên bào thai thứ hai được bọc trong bào thai thứ nhất. Trong suốt 20 năm, cục bưới bào thai đã từ từ lớn dần trong bụng anh nông dân.

Một công trình nghiên cứu có hệ thống về về Linda Lê đầu tiên được SocialLife xuất bản tại Việt Nam năm 2021

Nelly Sachs đã từng phát biểu rằng một kẻ ngoại kiều ôm ấp tổ quốc của mình trong vòng tay giống như ôm ấp một đứa bé mồ côi mà vì nó mà anh ta không đi tìm kiếm điều gì khác ngoài một nấm mồ. Tổ quốc của tôi, tôi cưu mang nó giống như chàng nông dân cưu mang bào thai song đôi của mình. Đó là một mối liên kết quái dị. Một mối liên kết mà ở đó quê hương xứ sở, thứ song sinh ấy, được bao bọc và bóp nghẹt, được thừa nhận và bị khước từ. Và rồi cuối cùng được cưu mang như người ta cưu mang một đứa trẻ đã chết. Mối liên kết quái dị ấy tạo ra sự tương quan của tôi với một tổ quốc khác, đó chính là văn chương, thứ được nảy sinh từ ám ảnh của một dị tật, một quái thai, và là thứ văn chương dành cho bản sao của mình, nhưng đó là bản sao có thể đã chết và nắm giữ vai trò thẩm phán im lặng.

Đó là một loại văn chương được đặt dưới dấu chỉ của sự tang thương nguyên khởi. Một loại văn chương nuôi dưỡng trong mình một bản sao, một kẻ thù, thứ chối bỏ nó và không ngừng gây ra sự ngờ hoặc về tính chính thống của nó. Như vậy, chúng ta đã đi từ nghĩa thứ nhất của “văn chương chuyển di” được hiểu như là “ngôn từ lưu đày” sang nghĩa thứ hai là văn chương không tìm được vị trí của mình. Một loại văn chương giống như thực vật bất định. Không ở đây cũng không ở chỗ khác. Và cũng vì thế mà nó khiến cho trật tự tự nhiên của sự vật bị đảo lộn. Nó cố gắng cắt đứt với quyền lực. Quyền lực của xứ sở đã xa rời. Quyền lực của ngôn ngữ vay mượn. Quyền lực của truyền thống văn chương mà trong đó không có bất kỳ một vị trí nào dành cho nó. Như vậy, nó phải tìm kiếm tính hợp pháp của nó ở cái bất hợp pháp, bởi vì tác giả chỉ là kẻ vô xứ, phi tổ quốc, là kẻ bán mình cho một ngôn ngữ khác. Một ngôn từ, một lời kể đều phải được phát minh ra, và nó diễn đạt về chính cái bất hợp pháp này. Một lời nói được đặt vào trường lực văn chương cũng giống như một vị khách không mời mà đến. Và đó cũng là nghĩa thứ ba tôi muốn đặt ra cho loại văn chương chuyển di này, nghĩa là văn chương không bao giờ tìm thấy nơi chốn của nó, không bao giờ tìm thấy nơi chốn sở hữu. Một loại văn chương muốn là văn chương thiếu tư cách, không hợp thời, thậm chí là bất lịch sự.

Vào thời điểm mà người ta không chỉ tuyên bố về cái kết của văn chương, mà còn tuyên bố về cái kết của sách, thậm chí là cái chết của nhân vật chính trong tác phẩm, và người đọc, khi tỏ ra càng lúc càng chuyển di và càng bất lịch sự, dấn thân vào văn chương, thì kẻ lưu vong lại thêm vào cái bất lịch sự ấy một sự bất lịch sự khác. Trong tư thế của một nhà văn, anh ta có những hứa hẹn trong sự mập mờ. Anh ta cùng lúc vun đắp sự thầm kín và phô trương, cô đơn và ồn ào. Anh ta phô bày những vết thương của mình, nhưng như Kafka đã nói “chính sự liêm sỉ như thể còn sót lại từ anh ta”. Anh ta giống như đứa trẻ khắc khổ che giấu bên trong vẻ bề ngoài một con sói đang gặp nhấm cõi lòng mình. Anh ta không kêu ca về sự đau đớn của mình, cứ để cho vết thương lớn dần cho đến khi chính mình trở thành một vết thương vô hạn được phát hiện.

 Một kẻ lưu vong chọn lựa nơi cư trú của mình trong văn chương luôn đong đưa giữa hai thái cực này : một bên, đó là nguyên lý bất toàn (đau thương nguyên khởi, tính bất hợp pháp tự nhận lấy), một bên, đó là quy luật của sự thái quá (gây ồn ào tai tiếng). Một kẻ lưu vong chọn nơi cự ngụ của mình trong văn chương sau khi đã bỏ đi ngôn ngữ của mình để sử dụng một ngôn ngữ khác chỉ tạo thêm tốc độ cho tình trạng đong đưa ấy giữa một sự thiếu vắng (ngôn ngữ bị mất đi) và sự thái quá (sử dụng ngôn từ gay gắt mãnh liệt). Hơn ai hết, anh ta là một tác nhân kép, vì nói đến thứ văn chương qua phương tiện của một ngôn ngữ “vay mượn”, và như vậy, đặt sáng tác của mình dưới dấu chỉ của sự giải hữu và phản bội.

Như vậy từ khởi đầu đã có diệt vong. Có Peter Schlemihl, người đã bán đi cái bóng của mình. Có kẻ lưu vong đã bỏ đi ngôn ngữ của mình để viết trong một ngôn ngữ khác. Trong khi như Kafka đã nói, ngôn ngữ là “hơi thở âm vang của tổ quốc”. Kẻ lưu vong bỏ lại hơi thở âm vang của tổ quốc để xâm nhập vào một ngôn ngữ khác. Nhưng để sở hữu cái ngôn ngữ khác này, anh ta đã ước mơ nó là ngôn ngữ bất định, mong muốn nó là ngôn ngữ chết. Viết trong một ngôn ngữ khác không phải của mình, đó là làm tình với một xác chết. Một xác chết gây cảm xúc và uy hiếp. Đối diện với ngôn ngữ ấy, kẻ lưu vong cư xử như một Pygmalion âu yếm bức tượng mình tạc ra. Anh ta hy vọng nhận được lời chúc phúc từ một thần tượng. Đó cũng là những gì nhà văn gốc Roumanie, Cioran, diễn đạt trong ngôn ngữ Pháp : “Giả như kiều dân không phải là kẻ sáng tạo về mặt ngôn ngữ, là bởi vì anh ta cũng muốn là những người bản xứ: dù có đạt đến hay không thì tham vọng ấy đã là sự diệt vong rồi”.

Đối với kẻ lưu đày thì việc đi vào văn chương được diễn ra dưới dấu hiệu của sự diệt vong chứ không phải sự kế thừa. Đó là dấu chỉ của giải hữu chứ không phải sở hữu. Nhà văn không đến từ bất cứ nơi đâu. Anh ta đã gạt bỏ tất cả. Kể cả hơi thở âm vang của tổ quốc. Anh ta chỉ còn lại một căn tính: căn tính của kẻ phản bội. Anh ta là kẻ phản bội hai lần. Kẻ phản bội xứ sở của mình. Kẻ phản bội ngôn ngữ của mình. Anh ta chỉ có thể kiêu hãnh về một thứ duy nhất: đó là, cũng giống như Conrad, anh ta hiện thân là “trường hợp duy nhất một nam nhi của cả thế hệ và giữa các bậc tiền bối của mình khi nhảy ra khỏi cảnh địa và cộng đồng chủng tộc của mình”. Và nếu như có một tư cách công dân mà anh ta thèm muốn, thì đó là tư cách công dân của ngôn ngữ. Vì đã cắt đứt với mọi ràng buộc, anh ta có thể bước chân vào thành quốc của từ ngữ, trong tư thế của một tác nhân kép trở thành công dân không chỉ của thế giới mà còn của ngôn lời. Đối diện với ngôn ngữ ấy, đối diện với quyền mà mình tự tạo ra ấy, đâu là cách ứng xử của nhà văn? Anh ta sẽ ứng xử như vị khách không mời mà đến, một người mà không có gì được trực tiếp chuyển giao cho và là người đến tiếm vị của đứa con trai được chỉ định để kế thừa truyền thống? Hay anh ta chấp nhận là một cậu học trò say sưa với một viễn cảnh là sẽ vượt qua thầy của mình? Hay còn nữa, anh ta sẽ hành xử như một kẻ thù, cương quyết làm nhiễm bản ngôn ngữ bằng thứ văn phong của một kẻ mê muội-phỉ báng duy trì với ngôn ngữ ấy một sự giao thiệp cũng giống như kiểu những người sùng tín giao thiệp với Thượng Đế: một sự nhiệt thành sùng tín bị suy mòn bởi ước muốn bất tuân phục, một sự tôn thờ không ngừng đẩy đến những cuộc luận chiến, một khát vọng về sự tinh tuyền của ngôn từ bị chối bỏ bởi một khuynh hướng quay về cái đê hèn, đốn kiếp, nhỏ nhoi?

Cuộc truy tìm bản thân vì thế diễn ra qua cuộc chinh phục một ngôn ngữ mới. Nhưng vì là kẻ phản bội xứ sở và phản bội ngôn ngữ của mình, nên trong thành quốc của từ ngữ, kẻ lưu vong vẫn là một công dân ngoan cố, một học trò mẫu mực mơ ước điểm 0 về ứng xử. Anh ta phá hủy khi thiết lập, làm xói mòn nền móng khi chồng lớp các khung tầng, đập bỏ khi khởi lập. Bởi vì từ khởi nguyên đã có tang thương, cái tang thương của ngôn ngữ bị cất giấu. Chính sự diệt vong nguyên thủy này đã nhanh chóng làm tan biến đi những ràng buộc và đẩy nhà văn vào hoàn cảnh lưu vong của từ ngữ, nhưng sự diệt vong này cũng mở ra một thế giới quan được hình thành trên sự thiếu khuyết chứ không phải trên sự viên mãn, xây dựng trên sự phủ nhận chứ không phải sự khẳng định, trên nhược điểm như là dấu hiệu của tang tóc và như là triệu chứng phản kháng.

Kẻ tàng tật thiếu khuyết rao truyền niềm tang tóc nguyên thủy, sự khước từ chính mình, giam hãm mình trong nỗi ám ảnh về hủy diệt. Nhưng là kẻ thiếu khuyết, bị khai trừ trong thành lũy của mình, anh ta hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc cắt đứt, khước từ thế giới, khước từ những gì người ta gọi tên trong đời thường, và chỉ là một entropi có tổ chức.

 Là hình tượng của sự kháng cự thụ động, kẻ thiếu khuyết là huynh đệ của Bartleby, kẻ độc thân không cha không mẹ, cũng không người nối dõi và là người bỏ qua tất cả những hình thái quyền lực của ngôn ngữ, chỉ giới hạn vào một thức ngôn từ chối duy nhất, thức ngôn ấy tái hiện với một sự chia tách mãi mãi làm tiêu tán quyền lực tổ phụ. Chính khi thừa nhận mình là huynh đệ của gia đình Bartleby, cô đơn không có ràng buộc, không có hậu thế, chính khi gieo rắc mối ngờ vực được vén mở bởi học giả của Melville, chẳng hạn như quan hệ cha con không tồn tại, chúng ta tất cả đều là những kẻ mồ côi, chỉ chính lúc đó kẻ lưu vong mới có thể tháo cởi những ràng buộc, phá vỡ sự khác biệt biểu lộ ở ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của mình và hy vọng có một sự thừa nhận nó. Kể từ nay, nhà văn biết rằng mình chỉ được tái sinh trong ngôn ngữ ấy bằng cách giành lấy quyền phát ngôn, nhưng ngôn từ sẽ quay lại chống lại chính mình, cũng giống như con dao, ngôn từ như một hố đen để mở, mà độc giả không có chọn lựa nào khác ngoài việc lao mình xuống và lạc loài trong đó. Đối diện với ngôn ngữ ấy, kẻ lưu vong không chịu hành xử như người văn minh. Ngôn ngữ ấy, anh ta kiêu căng diễn đạt nó trong một sự trần trụi ô trọc như là ngôn từ, hình ảnh của kẻ khuân vác mà Conrad mô tả trong tác phẩm Cơn bão : “Ánh sáng đã lần lượt rọi vào khuôn mặt gầy gò và nhô ra của hắn. Hắn ngửa đầu về đằng sau giống một con chó đang tru lên trước khi chết… Hắn giang cánh tay ra và miệng mở ra như một cái hố đen và trống rỗng, từ cổ họng thốt ra những tiếng tru khó hiểu, có vẻ không thuộc về bất kỳ một ngôn ngữ nào của loài người…”

Một cái hố đen trống rỗng từ đó thốt ra những tiếng tru có vẻ không thuộc về bất kỳ một ngôn ngữ nào của loài người: đó là hình ảnh chính xác của sách như nó được mong đợi bởi một kẻ man rợ để thử nghiệm cho một giáo điều được khai hóa. Bởi vì nếu như tất cả các cuốn sách hay được viết trong một loại ngoại ngữ, thì ước mong thầm kín của kẻ lưu vong là tạo ra trong ngôn ngữ vay mượn một thứ ngôn ngữ khác, mồ côi mọi sự kế thừa và mọi quyền lực. Những tiếng tru thốt ra từ hố đen trống rỗng chuyển hóa thành lời ca. Một lời ca cất lên chống lại quy luật, chống lại chính quyền lực của ngôn ngữ. Lời ca vang dội ấy tạo cho sách hình thể của cái mà Ingeborg Bachmann gọi là một “cuộc hiện hữu-độc thoại”. Một hiện tượng độc thoại khai mở cả một cuộc hiện hữu. Đó đương nhiên không phải là loại hình tự thuật. Chúng ta giống như những người tham quan văn phòng huyễn tượng có chứa đựng bộ sưu tập những điều ám ảnh, các nghi lễ mồ, những nghi thức trừ tà và những lễ vật dâng hiến. Tự sự trở thành sự thể hiện xót thương và sách trở thành lời van xin. Cái độc thoại ấy, cái ngôn lời cô đơn biệt tịch ấy ngay từ đầu đã nhẹ nhàng thốt ra theo kiểu tiếng ca êm ái của Joséphine nàng ca sĩ của Kafka trước dân tộc chuột. Rồi lời độc thoại ấy trở nên dữ dội và cuối cùng chính trong sự đong đưa giữa khúc ca đơn điệu và lời nguyền rủa mà ngôn từ tìm thấy nhạc điệu rên siết của mình. Bởi vì ở kẻ lưu vong lòng thương xót không thể tách rời sự mỉa mai, lời van xin giữ lại những dư vị dâng hiến, và sau lòng sùng tín ẩn chứa tham vọng lan truyền ngụy ngôn. Một kiểu ngụy ngôn sẽ không thể là ngôn từ lưu vong, không phải ngôn từ bị truy đuổi khỏi nơi cư trú, mà là ngôn từ chế giễu cuộc tìm kiếm một nơi náu thân, ngôn từ giải thoát khỏi mọi sự giám hộ chở che, một ngôn từ muốn trở thành du cư. Một ngôn từ giống như một lời van xin chuyển di, một lời van xin bất lịch sự, bởi vì nó thoát khỏi một cái hố đen, nó khước từ sự tôn dương, cũng như nó khước từ sự an ủi. Nó không tìm cách làm cho đau thương được xoa dịu, mà ngược lại nó đánh thức đau thương, bằng lời nguyền rủa và vu khống. Từ đó chúng ta đi đến với nhà thần bí, với ngôn hành điên rồ của họ, với khuynh hướng phản kháng của họ và với tài năng diễn đạt bất cập luôn dẫn họ đến việc phá bỏ các thức ngôn linh thánh được áp đặt bởi tính chính thống tôn giáo. Họ diễn đạt như những kẻ dị giáo. Họ hành xử như những kẻ thù của kiểu cách chính thống, của cái thứ thuyết ngôn thực ra chỉ là một liều thuốc từ ngữ xoa dịu nỗi thương đau. Đối lập với thứ thuốc thuyết ngôn xoa dịu ấy, họ đưa ra một ngôn ngữ ô trọc, uế tạp, kịch phát, một loại ngôn ngữ kín múc nguồn năng lượng từ sự sùng kính chưa từng tách khỏi sự ngạo mạn và sự khẳng định cá nhân. Ingeborg Bachmann đã nói: “Nhiệm vụ của nhà văn là không nên chối bỏ nỗi đau, không nên xóa bỏ các dấu vết của thương đau, không nên lừa phỉnh bằng cách tránh xa thương đau. Ngược lại, nhà văn phải thừa nhận nó và làm cho nó tái hiện để chúng ta có thể quan sát. Bởi vì tất cả chúng ta đều muốn trở thành nhà tiên tri”. Như vậy, nhiệm vụ của nhà văn có thể là phát minh ra một loại ngôn từ làm sáng mắt. Một loại ngôn từ cho thấy. Một loại ngôn từ đối nghịch với loại thuyết ngôn xoa dịu. Một loại ngôn từ chuyển di, vì nó được đặt vào trung tâm của đau thương mà không tìm cách xoa dịu nỗi đau ấy bằng một thứ thuốc bách bệnh ngôn từ.

Linda Lê

(Phạm Văn Quang – trích dịch từ Tu écriras sur le bonheur)

Nguồn: http://sociallife.vn/?p=20558