Phạm Văn Quang, Võ Thị Ánh Ngọc, Sity Maria Cotika

Còn quá sớm để bàn đến hành trình văn học của Linda Lê. Tuy vậy, danh thế của tác giả hiện nay đã vượt ra ngoài ranh giới của văn chương Pháp ngữ và văn chương Pháp để đến với công chúng thế giới. Điều gì đã khiến cho một tác giả gốc Việt Nam từng trải qua những cuộc thiên di bất ổn, trở thành một hiện tượng văn học như thế? Phải chăng đó chính là một lối viết khảo cổ hư cấu đã gợi lên sự ngưỡng vọng nơi độc giả? Hay đó là những suy tưởng sâu thẳm của một lộ trình kép, hủy tạo và sáng tạo:

những tác phẩm đầu tiên giống như kiểu “Nada trong cơn sầu lệ và cuồng nộ”, những tác phẩm sau này lại thể hiện cuộc chiến chống lại một sự sụp đổ nào đó? Trong mọi trường hợp, cho đến nay, công trình của Linda Lê là sự kết hợp của tưởng tượng và suy tư. Đúng hơn, chính yếu tố suy tư là nền tảng của thế giới tưởng tượng, và hư cấu được định hình trong hoạt động suy tưởng. Đó là một hành trạng “phục diễn đời đời” hay xuống “tận sâu thẳm của thế giới xa lạ để tìm thấy điều mới mẻ”. Không có tham vọng giải quyết hết các vấn đề về sự hình thành một lối viết vẫn còn sâu ẩn như thế, công trình nghiên cứu Linda Lê: Văn chương và ý niệm hủy thể tính chủ yếu khởi đi từ phương pháp xã hội học về trường lực văn học để phác họa phần nào “tư thế” nhà văn của Linda Lê. Tư thế đó không chỉ được quan sát qua các mối tương quan của nhà văn với những không gian xã hội sống trải và những định chế văn học, mà còn được diễn giải qua cấu hình diễn ngôn văn học; một trong những đặc nét của nó chính là tính hủy thể.

Nguồn: http://sociallife.vn/?p=20195